Năng lực ý chí là năng lượng của nguồn sáng tạo trong vũ trụ.

Năng lực ý chí là quyền năng sáng tạo, duy trì và hủy diệt vì mọi thứ đều bắt nguồn từ cội nguồn này… nhân của mọi nguyên tử, tế bào, hình thái, thực thể và linh hồn đều có năng lực ý chí của riêng nó. Chính cốt lõi nội tại này là một phần năng lượng của nguồn sáng tạo của vũ trụ.

Chính năng lực ý chí này dần dần lót đường cho ta, dẫn dắt ta về Nhà, về với cội nguồn sáng tạo.

Năng lực ý chí ở khắp mọi nơi và ở trong mọi sự, nhưng khi dạng thức phát triển và tâm thức mở mang, năng lực của ý chí gia tăng lên và lấn át. Chỉ có duy nhất Một Ý chí và bên trong nó là những ý chí nhỏ thuộc mọi dạng thức trong vũ trụ, giống như một trái lựu với hàng ngàn hạt bên trong.

Một người được cấu thành từ các ý chí và một ý chí tổng hợp tất cả những ý chí nhỏ này để thể hiện như một thực thể.

Vận mệnh của con người là hướng tất cả những ý chí nhỏ này cùng những ảo vọng của chúng vào năng lực ý chí cốt lõi. Cốt lõi này phải giải phóng chính nó khỏi sự chi phối của năng lực ý chí của các phương tiện của nó và đưa chúng vào ý chí của nó.

Năng lực ý chí của một người cũng dồi dào như khả năng anh ta hòa hợp ý chí của các phương tiện với năng lực ý chí của mình.

Ý thức và giác ngộ của chúng ta càng lớn, chúng ta càng tạo ra ít khó khăn trên con đường hoàn thiện chính mình.

Luật Nhân Quả giúp chúng ta sửa chữa lỗi lầm, sai sót, trở ngại, nghiệp chướng và cố gắng hòa hợp chúng ta với Ý chí Vũ trụ. Khi dẹp bỏ những trở ngại, dòng năng lượng ý chí chảy vào trong ta và giúp ta hòa hợp với Ý chí Vũ trụ.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Chính nghiệp lực, tác động trên mọi cấp độ và cõi giới đã thúc giục các hình thái sự sống tuân theo Ý chí Vũ trụ.

Hầu hết thói quen của chúng ta được hỗ trợ bởi và bắt nguồn từ dục vọng và cám dỗ. Dục vọng và cám dỗ là những ý chí tích tụ trong thể cảm xúc của ta.

Chúng ta cũng phải cân nhắc rằng suy nghĩ của chúng ta có ý chí riêng của chúng và toàn bộ thể trí của chúng ta có ý chí tự do. Đây là lý do có một cuộc trình diễn trong thể trí của ta suốt ngày đêm, và chúng ta quan sát nó mà không thể can thiệp vào nó được. Thường thì ta lại tham gia vào cuộc trình diễn đó.

Mọi người bị xem thuộc dạng ám ảnh khi những xúc cảm hay suy nghĩ nào đó của anh ta áp ý chí của chúng lên và bắt anh ta hoạt động dưới sự điều khiển của chúng. Cũng có thể những ý chí của cảm xúc và suy nghĩ của người khác áp đặt lên chúng ta và ám ảnh chúng ta.

Ám ảnh là ách nô lệ. Trong nỗi ám ảnh, ta đặt bản thân dưới sự kiểm soát của một điều gì đó ở bên trong hay bên ngoài ta vốn thấp kém hơn ý chí đích thực của ta.

Thế thì, làm thế nào chúng ta có thể đặt “những tiểu ý chí” trong chúng ta hoặc xung quanh chúng ta trong tầm của ý chí mình và kiểm soát chúng? Làm sao có thể kiểm soát các ý chí của các thể, các phương tiện tinh vi, cảm xúc, suy nghĩ, mơ ước và viễn kiến của chúng ta để tạo ra một trường hợp nhất các ý chí?

Đức Phật là người đã hoàn toàn từ bỏ tất cả những tiểu ý chỉ nhỏ nhặt của mình để hợp nhất với ý chí của Tối Cao. Đây là lý do Ngài có thể vào Cõi Niết Bàn.

“Cõi Niết Bàn” không phải là một địa điểm. Đó là một trạng thái thuần khiết và thanh bạch, theo nghĩa uyên thâm của hai từ này. Một người trở nên thanh khiết khi chỉ có Ý chí Thần Thánh của anh ta hoạt động và tất cả những tiểu ý chí của anh ta từ bỏ, không áp đặt ý chí của chúng lên anh ta nữa.

Một người phải giác ngộ mới thành Phật. Một người phải thành Phật thì mới vào được Cõi Niết Bàn, tức trạng thái nhận thức mà ở đó ý chí của riêng một người hòa nhập với Ý chí Thần Thánh. Một Đức Phật là một Linh hồn bén rễ trong Ánh sáng Vũ trụ tỏa tràn khắp nơi, được gọi là “Một Phật Thừa”.

Các Phật là những người sống, vận động và có cội rễ trong cõi Phật. “Cõi Phật”, một cách thâm sâu, nghĩa là những Không gian Trực giác và Cao tầng. Ý thức của ta thâm nhập càng cao, ta càng thống nhất nhiều với Ý chí Thiêng liêng.

Thiền chuẩn bị cho tâm trí để ta hiểu năng lực ý chí của cội nguồn sáng tạo của vũ trụ.

Thiền chuẩn bị cho các thể trí, thể cảm xúc, và thể phách kết nối với Ý chí đó và hòa hợp với nó.

Thiền bộc lộ các phương cách thể hiện nguyên tắc sáng tạo của Năng lực Ý chí trong môi trường của mình một cách thông minh.

Thể trí là một thực thể phát triển, nảy nở. Nếu thực thể này được tổ chức và chín muồi, nó có thể đóng vai trò phục vụ rất tốt cho chúng ta.

Thiền mang tâm trí ta vào quỹ đạo của ý chí và làm tâm trí nảy nở và phát triển để có thể hòa hợp với Đại Ý chí to lớn hơn và vận hành tương hợp.

Sức khỏe, hạnh phúc, thành công và niềm vui không là gì khác ngoài kết quả của sự thống nhất giữa ý chí của các phương tiện trong ta và năng lực ý chí của chính ta với quyền năng của Ý chí Thiêng liêng. Năng lực ý chí của con người sâu thẳm nơi ta phải bừng nở trong ánh sáng của Ý chí Thiêng liêng.

Nguồn: “The Mysteries of Willpower”, Torkom Saraydarian
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời