“TÂM TRÍ có năng lực thật lớn lao”

TÂM TRÍ có năng lực thật lớn lao… Tâm trí sản sinh ra tất cả những điều kỳ diệu cũng như những điều thật đáng sợ của thế giới hiện đại. Mọi chuyện đều là do cách chúng ta sử dụng món quà độc đáo này của ý thức.

Tư duy và trí năng là những kẻ tôi tớ tốt lành… những công cụ tuyệt vời, nhưng là những người chủ tồi. Chúng ta rất hay trở thành con mồi dưới sự cai trị của tư duy, chịu sự kiểm soát của tâm trí luôn náo động của mình và bị bao vây bởi những tiếng vọng trống rỗng từ chính cái miệng luôn thốt lời của chúng ta.

“Sự trau dồi nhận thức”

THIỀN về căn bản có nghĩa là sự trau dồi có chủ đích ý thức đầy tỉnh giác, và sự chú tâm thuần hành… một sự hiện hữu tỉnh táo, linh lợi của tâm trí.

THIỀN đánh thức và giải phóng tâm trí, và mở rộng trái tim, giúp chúng ta phát triển tri thức nội tại, sự sáng suốt, niềm hân hoan và tình thương, nhờ đó mang đến sự duy linh và góc nhìn lớn lao hơn vào mọi khía cạnh của cuộc sống thường nhật.

THIỀN là phương thức trực tiếp và hiệu quả nhất để nuôi dưỡng nhận thức bẩm sinh… nó là thành tố trọng yếu trên con đường đánh thức ĐỨC PHẬT ở bên trong chúng ta. Nhận thức là mẫu số chung cho mọi giống hữu hình.

“Nhìn mọi sự như bản chất của chúng”

Chúng ta thiền nhằm thanh tẩy và rèn luyện tâm trí. Chúng ta thiền nhằm đạt đến giác ngộ… để hiểu và trực tiếp cảm nhận thực tế hoặc sự thật… Thiền được Đức Phật định nghĩa là ‘nhìn rõ’ hay ‘nhìn mọi sự như bản chất của chúng’.

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật nói: “Tâm trí không lúc nào yên, không ổn định, khó canh giữ, khó kiểm soát. Người thông minh làm cho tâm trực, như người thợ làm tên giữ cho mũi tên được thẳng. Tâm trí hay thay đổi, khó kiềm giữ, bùng lên bất kỳ lúc nào nó muốn. Huấn luyện và làm chủ tâm trí này là điều tốt lành, vì một tâm trí được kiểm soát mang lại hạnh phúc.”

Chúng ta thiền, nhằm thức tỉnh trước những gì thực tồn tại, và nhờ thế đạt đến thực tại trọn vẹn và sự chân xác của cuộc sống trong khoảnh khắc hiện tại này.

Trau dồi hiện tại, sự nhận thức trong từng khắc giúp đưa chúng ta về nhà, đến với con người thực của chúng ta.

“Tập thiền”

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

RÈN LUYỆN THIỀN cần sự cố gắng đúng mức, sự tỉnh thức đúng mức, và sự lưu tâm đúng mức.

RÈN LUYỆN THIỀN giúp chúng ta tập trung cũng như nhìn và suy nghĩ sáng suốt hơn. Bằng cách này chúng ta phát triển trên phương diện tâm linh trở thành những người thông thái hơn, vị tha hơn và biết quan tâm hơn.

“Thở là một công cụ”

Ban đầu, thiền là vấn đề tập trung và giữ tâm an. Sau đó, nó phát triển hơn nhiều thành nhận thức bao quát. Trong nhiều thế kỷ gần đây, những người tập thiền đã được dạy cách dùng hơi thở như một công cụ.

Bắt đầu bằng cách ‘hít vào’ bằng mũi, tập trung cảm nhận cảm giác không khí đi vào qua hai lỗ mũi, rồi ‘thở ra’ cũng bằng mũi… trong khi tập trung vào cảm nhận cảm giác không khí đi ra qua hai lỗ mũi. Chỉ quan sát hơi thở mà không tập trung vào gì khác.

“Hơi thở và linh hồn là một”

Chúng ta bắt đầu bằng việc thở vì nó là quá trình sinh lý căn bản chung của tất cả chúng ta. Theo từ nguyên học, gốc của từ ‘thở’ và ‘linh hồn’ là một. Thở là sự kết nối chung của chúng ta với chính cuộc sống. Đây là điều căn bản và xác thực.

Chúng ta có thể trải nghiệm điều này. Quan sát hơi thở là bài tập căn bản nhất về sự tập trung, bài tập mà chúng ta có thể thực hành dù ở bất kỳ đâu. Hít vào. Thở ra. Yên lặng. Nó giúp chúng ta tập trung và chú ý. Cố gắng quan sát hơi thở khiến chúng ta chậm lại, và trở nên trầm ngâm hơn, suy tư hơn. Hít một hơi thật sâu. Thở ra. Thư giãn. Thả lỏng. Buông. Mỉm cười với chính mình. Thoải mái.

Nếu bạn có cảm giác… tê chân, vai ngứa ngáy… chỉ cần buông nó đi và tập trung vào hơi thở. Nếu bạn có một suy nghĩ, một ký ức, một sự khao khát, dùng hơi thở để kéo tâm trí bạn trở lại, và tiếp tục tập trung vào hơi thở.

“Đạt đến tự nhận thức”

THIỀN đã được hàng triệu người áp dụng hàng ngàn năm qua để vượt qua giới hạn của con người, đạt đến tự nhận thức, và cảm nghiệm sự thánh thiện. Thực tế, điều này nghĩa là phát triển về trí tuệ và cảm xúc đến mức chúng ta đạt được cân bằng và hòa hợp với chính mình, để có thể vật lộn với những vấn đề sâu sắc nhất của cuộc sống.

THIỀN là một cách sống. Đó là vì sao, về bản chất, nó thật sự gắn kết với các nỗ lực tâm linh. Nó đòi hỏi nỗ lực trau dồi tâm thức bằng cách rèn luyện tập trung. Con đường thiền không đòi hỏi chúng ta tham gia hay từ bỏ bất kỳ một tín ngưỡng, giáo phái hay tôn giáo nào. Động lực duy nhất để tiếp tục thiền chính là sự tự tin và tính thuyết phục từ bên trong mà thiền giả có được qua kinh nghiệm đích thực của chính mình.

THIỀN không phải là một chương trình rèn luyện thần kinh. Trong nghệ thuật thiền, then chốt là sự đơn giản… là nhu cầu giải thoát bản thân khỏi mọi gánh nặng thái quá, và chuyển hướng tìm kiếm vào bên trong. Vì mọi thứ đều có sẵn bên trong cõi tâm linh sâu thẳm vô hình của chính chúng ta.

Nguồn: “Awakening the Buddha Within”, Lama Surya Das
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời