“Tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới đều bắt nguồn từ một chân lý duy nhất. Chân lý này chính là mục tiêu của tất cả các tôn giáo. Các phương pháp có thể khác nhau, nhưng chúng không thể chia rẽ nhân loại. Các bậc hiền nhân không thuộc về một đẳng cấp, tín ngưỡng hay quốc gia cụ thể nào.”

“Thông điệp của các bậc hiền nhân mang tính toàn cầu. Theo họ, ưu tiên trước nhất của một người không phải là nhìn thấy Thượng Đế mà là hiểu rõ chính bản thân.”

“Sự nhận biết bản thân là chủ đề chính trong thông điệp của các bậc hiền nhân. Và… ‘nhận biết bản thân’ nghĩa là thấu biết về bản thân mình ở mọi cấp độ: ở cấp độ cơ thể, hơi thở, tâm trí và linh hồn… và ở cấp độ giữa người với người.”

“Càng biết rõ về bản thân mình, ta càng hiểu rõ hơn thế giới xung quanh. Và càng hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, những kỳ vọng của ta về thế giới sẽ càng thực tế. Những kỳ vọng của ta càng thực tế, ta sẽ càng ít cảm thấy thất vọng.”

“Thiếu kiến thức về bản thân, ta sẽ lưu giữ mãi những kỳ vọng hư ảo về bản thân, và về thế giới xung quanh mình, và điều đó khiến ta khổ sở.”

“Một người khốn khổ không có thời gian hay năng lượng để suy ngẫm về chân lý cao cả. Vì thế, nếu muốn trải nghiệm một cấp độ thực tại cao hơn, ta nên từ bỏ nỗi khốn khổ tự mình tạo nên. Và ta có thể làm được việc đó.”

“Con người tìm kiếm bình an, niềm vui, trí tuệ, và hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều đang cố gắng đạt được hạnh phúc vĩnh hằng từ kiến thức nhận được khi có bình an trong tâm trí.”

“Để có được tâm trí bình an, chúng ta cần kiểm soát tâm trí. Để kiểm soát tâm trí, chúng ta cần có phương pháp. Chúng ta cần một quy trình rõ ràng để nhờ đó hoàn toàn ra ngoài tâm trí, tách khỏi sự liên hệ với các giác quan… tách khỏi cảm giác và các đối tượng của thế giới bên ngoài.”

“Tâm trí phải được giải thoát khỏi mọi xáo trộn. Kinh Phật, Kinh Hindu, Tây Tạng, Đạo lão, và các ghi chép của Nho Giáo… đều nói về các phương cách giải phóng tâm trí. Thoạt trông thì có nhiều phương pháp khác nhau… nhưng chúng đều gặp nhau tại cùng một điểm.”

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

“Tất cả mọi con đường đều dẫn đến thiền, vì chỉ có một mục tiêu duy nhất và mục tiêu đó chính là thiền. Thiền là con đường duy nhất dẫn đến TỰ DO… tự do thoát khỏi nỗi lo lắng, khỏi nỗi đau, cơn giận dữ, sự đau khổ, và phiền muộn; tự do thoát khỏi tất cả bất hạnh, tất cả nỗi sợ hãi, và mọi ràng buộc. Và thiền là con đường duy nhất đến với KIẾN THỨC.”

“Thiền là một chuyến đi vào bên trong, và trên chuyến đi này, bạn khám phá được mình là ai, mình đến từ đâu, những khí chất và tính cách của mình là gì.”

“Khi biết được các chiều kích nội tại của cuộc sống của mình, ta có thể hình thành một hình ảnh thực tế của chính mình và về sau… ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi hình ảnh hư ảo do người khác áp đặt lên mình. Nói tóm lại, thiền giới thiệu ta với chính bản thân ta.”

“Một khi đã biết được bản ngã thực sự của mình, ta sẽ dễ dàng xác định mối quan hệ của mình với thế giới, cũng như mối quan hệ của ta với Thượng Đế. Lúc đó, ta sẽ hiểu rằng không có tôn giáo nào trên thế giới tốt đẹp hơn tôn giáo khác. Ta sẽ không gặp phải những mâu thuẫn về tôn giáo.”

“Thiền là cách vén bức màn của sự ngu dốt để bản ngã có thể nhìn thấy rằng nó đang được đấng thiêng liêng coi sóc, chứ không phải ngược lại.”

“Thiền là cốt lõi của yoga. Thiền là cốt lõi của nguyên tắc tâm linh. Thiền giới thiệu ta với chính bản thân ta. Nó làm cho ta nhận biết được mối quan hệ của mình với cơ thể, các giác quan, tâm trí, và bản ngã. Nó cho ta biết ta yếu kém ở điểm nào, để ta có thể ném bỏ nhược điểm của mình vào ngọn lửa yoga.”

“Một người không phải là một cơ thể đơn lẻ, không phải là một tâm trí đơn lẻ. Giữa cơ thể và tâm trí có một thứ gọi là ‘hơi thở’. Một con người cũng là một thực thể biết thở.”

“Nếu muốn khỏe mạnh và hạnh phúc, và nếu muốn cảm nghiệm sự bình an và tĩnh tại bất tận, ta nên chú ý đến việc thở của mình.”

Nguồn:”At the Eleventh Hour”, Pandit Rajmani Tigunait
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời