Thiền là một trong những hoạt động tâm linh được nghiên cứu sâu rộng nhất, với ngày càng nhiều dữ liệu thuyết phục để chúng ta nhận thức về ảnh hưởng quan trọng và tích cực của thiền.

Thiền luyện cho tâm trí tiếp cận và tập trung vào nhận thức nội tại, làm tăng sự nhận biết bản thân, giải thoát cảm xúc, hoạt động tâm thần và tình thương.

Các nghiên cứu về tác động của thiền đối với con người về mặt sinh học và tâm lý học được tiến hành trong gần 5 thập kỷ, các tiến bộ trong công nghệ chụp ảnh não bộ đã cho phép các nhà nghiên cứu quan sát diễn biến thật sự bên trong bộ não của người đang thiền.

Từ năm 1987, Dalai Lama thuộc Phật giáo Tây Tạng và các nhà thần kinh học đã bắt đầu cộng tác với Viện Trí tuệ và Cuộc sống và đến nay vẫn tiếp tục đưa ra vô số nghiên cứu và khám phá hấp dẫn.

Trong một cuộc nghiên cứu, Nhà thần kinh học Richard Davidson thuộc Đại học Wisconsin-Madison đã so sánh hoạt động não bộ của tám thiền sư Phật giáo với não bộ của những người mới bắt đầu tập thiền trong một buổi thiền Từ bi.

Davidson nhận thấy việc thiền làm thay đổi cơ chế hoạt động và kết nối của bộ não ở tất cả những ai tham gia.

Những thiền sư Phật giáo lâu năm cho thấy mức sóng gamma cao hơn nhiều so với những người mới tập thiền, không chỉ trong khi họ đang ngồi thiền mà còn cả trong thời gian nghỉ.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Sóng gamma phản ánh hoạt động của các tế bào thần kinh của não bộ khi dữ liệu thông tin trong các nhánh dây thần kinh khác nhau kết nối lại trong quá trình đi đến khoảnh khắc đỉnh điểm “à!” của sự nhận biết hay thông hiểu trong ý thức – ví dụ như, khi ta nhìn, sờ, ngửi, và nếm, não bộ nhận biết rằng “đúng, đó là trái cam.”

Theo Davidson, tín hiệu sóng gamma bền bỉ của các thiền sư cho thấy não bộ liên tục ở trạng thái thăng hoa của “à!”, liên quan đến sự cảm nhận, giải quyết vấn đề và nhận thức. Nói cách khác, bằng chứng này cho thấy rằng thiền tác động không chỉ đến các trạng thái não bộ trong thời gian ngắn mà còn lên các đặc tính lâu dài của não bộ. Theo các kết quả này, chúng ta thực sự có khả năng tạo ra những thay đổi lâu dài  và tích cực trong bản chất chúng ta.

Trong một nghiên cứu gần đây, được thực hiện bởi một cộng tác viên khác của Viện Trí tuệ và Cuộc sống, nhà tâm lý học của Đại học Havard Sara Lazar, người ta đã thấy chứng cứ rằng việc thiền ở người trưởng thành dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc tâm lý của bộ não, làm tăng độ dày vỏ não ở những khu vực quan trọng đối với quá trình nhận thức, cảm xúc và an lạc.

Lâu nay đa số các nhà khoa học tin rằng não bộ ngưng phát triển khi chúng ta đã trưởng thành. Nhưng Davidson và Lazar thuộc về nhóm các nhà khoa học muốn mang lại những khám phá mang tính cách mạng về sự phát triển thần kinh và hình thành tế bào thần kinh trong não bộ ở người đã trưởng thành… và về tiềm năng của con người.

Não bộ có khả năng thay đổi các kết nối thần kinh nhằm đáp ứng lại các kinh nghiệm và các hoạt động mới trong suốt cuộc đời chúng ta… và một số phần của bộ não, như khu vực đồi hải mã, nơi lưu trữ ký ức, có thể tạo thành các tế bào thần kinh mới. Bộ não liên tục tái cấu trúc chính nó. “Quan điểm về sự linh hoạt của thần kinh não bộ sẽ là đối trọng với quan điểm xác quyết rằng gen có hoạt động hạn chế”, Davidson nói.

Thiền là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta lui ra khỏi sự nhiễu loạn của đời sống cuồng nhiệt, để tìm đến tâm điểm, và định hướng lại một cách ý thức từ bên trong bản thân chúng ta. Nhà thần kinh học James Austin có nói: “Chúng ta cần được trợ giúp toàn diện để sống được một cách đầy ý thức trong những thời khắc hiện tại của thiên niên kỷ tiếp theo”.

Mối quan tâm đến hiệu quả của thiền trong cuộc sống đã dẫn đến một vài ứng dụng thú vị trong các lĩnh vực tâm lý học, chăm sóc sức khỏe, luật pháp, giáo dục, pháp lý và môi trường làm việc. Ví dụ, trong tâm lý học, các mô hình điều trị dựa trên thiền đang góp mặt mạnh mẽ trong sự xuất hiện gần đây của các “liệu pháp hành vi làn sóng thứ 3”, như Liệu pháp Cam kết Chấp nhận (A-C-T) và Liệu pháp Hành vi Biện chứng (D-B-T).

Liệu pháp “A-C-T” sử dụng sự tỉnh thức để giúp người ta chấp nhận nỗi đau, và tách bản thân họ khỏi dòng suy nghĩ để họ quan sát chúng, và cam kết các thay đổi hành vi dựa trên giá trị. Liệu pháp “D-B-T” dạy cách tập trung tâm trí để nuôi dưỡng sự bình thản của bản thân, điều chỉnh cảm xúc và sức chịu đựng đau khổ.

Hiệp hội giáo dục tâm thức là một trong nhiều chương trình giáo dục đã dành hàng thập kỷ giới thiệu kỹ thuật thiền tiên nghiệm cho học viên và giáo viên trên toàn thế giới. Hơn 600 nghiên cứu khoa học xác nhận rằng 10 đến 15 phút thiền, hai lần một ngày cải thiện kết quả học tập của học sinh, giảm căng thẳng, phát huy tính sáng tạo, giảm lạm dụng thuốc, và nâng cao sức khỏe về thể chất và tâm lý.

Tại một ngôi trường ở vùng Bắc California, nghiên cứu sinh của I-O-N-S Artie Konred báo cáo tỷ lệ đuổi học trong học sinh lớp 6 và lớp 7 được học thiền giảm 45%, so với các học sinh lớp 8 không thiền. Và tuyệt đại đa số học sinh thiền, 97%, được báo cáo là cảm thấy điềm tĩnh hơn… “Em thấy thư giãn hơn. Em suy nghĩ mạch lạc hơn, và học hành dễ hơn,” một học sinh nói. “Mọi người có vẻ dễ thương hơn một chút,” một học sinh khác nói. Những giáo viên thiền cũng gặt hái được thành quả. Các trường hợp nghỉ bệnh trong khoa có giáo viên bắt đầu tập thiền giảm 30% so với học kỳ trước. Các cách sống mới, cách nhìn và hành xử mới ở một người có thể làm biến chuyển một cộng đồng khi các cá nhân cam kết cùng nhau thay đổi.

Nguồn: “The 2008 Shift Report from IONS”, Willis Harman
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời