Không phải ngẫu nhiên khi hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều đặt ra một “nốt lặng” trong bản giao hưởng của một ngày, tuần hoặc năm của đời người. Những nghi thức như cầu nguyện, thiền, nhập thất và truyền thống ngày Sabbath… đều giúp trau dồi khả năng duy trì sự tĩnh tại và tạo không gian cho tâm hồn.

Những khoảng lặng lẽ và biệt lập trong nhà trường cũng có thể là công cụ cho học sinh để thư giãn và hồi phục… thư giãn cho hệ thần kinh, tâm trí, cơ thể… mà các nền văn hóa truyền thống thường mang lại. Đối với nhiều học sinh và gia đình, biệt lập đã trở thành một nghệ thuật thất truyền.

Chúng ta có thể xem sự yên lặng là một phương tiện để đi qua những cánh cổng khác: sự kết nối thâm sâu với cái tôi, sự siêu nghiệm, sự sáng tạo, hay sự tìm kiếm ý nghĩa và mục đích. Nhưng, bản thân sự yên lặng có thể dưỡng nuôi linh hồn con người, và chúng ta nên khám phá giá trị của nó như một cánh cổng riêng biệt.

Khi xem xét việc tạo cơ hội cho các học sinh được tĩnh lặng, chúng tôi gặp phải một nghịch lý. Ở nhiều học sinh, chúng tôi chạm đến niềm khao khát bất tận của con người mong muốn được yên lặng. Thế nhưng, chúng tôi cũng phải đối đầu với sự phản đối của văn hóa đương đại về khía cạnh này. Yên lặng, tĩnh tại và biệt lập hầu như đã bị tước bỏ khỏi cuộc sống của con em chúng ta.

“Tiếng ồn”, “tốc độ” và “tương tác không ngừng” là định nghĩa của cuộc sống hiện đại đối với hầu hết trẻ em. Sự kích quá độ đã trở thành lẽ thường đối với hệ thống thần kinh của trẻ.

“Linh hồn không thể phát triển trong một cuộc sống hối hả”. Thomas Moore đã đề cập như thế trong Chăm sóc linh hồn, “vì chịu ảnh hưởng, tiếp nhận và hấp thu đòi hỏi phải có thời gian”.

Nhưng, khái niệm chậm rãi lại quá xa lạ với con em chúng ta đến nỗi làm chúng sợ hãi. Những lời huyên thuyên không dứt trên truyền hình và máy nghe nhạc… những hoạt động được sắp xếp liên tiếp cho “đứa trẻ bận rộn”… nhu cầu gửi trẻ em hàng giờ cho các nhóm trông trẻ từ khi bé còn nhỏ… Theo hướng ấy, trẻ em không có đủ khoảng lặng và thời gian biệt lập đến mức một số trẻ e sợ phải trải qua sự trống trải. Vậy nên chúng ta có nên nói về một “cơn đói khoảng lặng” khi một số học sinh thực sự cảm thấy khó chịu về nó?

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Sự yên lặng và tĩnh tại là một cơ hội để thiết lập lại trạng thái cân bằng. Một khoảng thời gian lặng yên có thể mang đến sự trầm tĩnh, thanh bình, và cái nhìn khách quan mà những học sinh này đang tìm kiếm để sắp xếp lại cuộc sống của mình. Thành ngữ Swahili có nói “Sự yên lặng tạo ra thanh bình”, và “thanh bình mang đến sự an lành”.

Những khoảng ngắn ngẫm nghĩ trong thinh lặng cho phép chúng ta “sàng lọc” và “sắp xếp” cảm xúc, suy nghĩ, và cảm giác của mình. Khi “chứng kiến” trạng thái cảm xúc của mình, ta có thể tìm được sự cân bằng, vốn là một điều kiện tiên quyết cho các năng lực xúc cảm và xã hội cần thiết trong việc học hỏi.

Tình trạng mất khả năng “tập trung” đã trở thành một triệu chứng chung của học sinh hiện nay, làm suy yếu khả năng học hành của các em trong bất kỳ môn học nào, vì thế, các phương pháp làm tăng “khả năng tập trung” là cấp thiết. Sự yên lặng, biệt lập, tĩnh tại và các bài tập thở và thả lỏng cơ là phương thức để nâng cao các năng lực này. Đường lối thực hành có thể đơn giản như dành ra một phút yên lặng hoặc nghe nhạc êm dịu mỗi khi bắt đầu tiết học.

Trong “Hiệu ứng Mozart”, Don Campell viện dẫn nghiên cứu cho thấy một loại nhạc nhất định thậm chí có thể giúp trẻ mắc chứng rối loạn thiếu tập trung (attention-deficit disorder – ADD) và rối loạn thiếu tập trung kết hợp tăng động (attention-deficit disorder with hyperactivity – ADHD) thay đổi mô thức sóng não và cho thấy “sự cải thiện mức tập trung và kiểm soát tâm trạng, giảm tính bốc đồng, và cải thiện các kỹ năng xã hội”.

Trong một thế giới gồm toàn những hình ảnh điện tử được tạo sẵn, nhịp sống nhanh và rất kích thích, thì đối với nhiều học sinh, sự yên lặng sẽ cung cấp mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng thoải mái phát huy.

Hiện nay ngày càng nhiều nhà nghiên cứu tiến hành khám phá sự mở mang trí não khi “không có gì xảy ra” trong lớp học. “Khoảng lặng” từng bị cho là thời gian phí phạm, giờ đây được xem như một cơ hội to lớn để củng cố kiến thức và ký ức. Xem “khoảng lặng” như “thời gian đợi”, các nhà nghiên cứu từ lâu đã công nhận những khoảng thời gian ngắn yên lặng này do các giáo viên cố tình áp dụng là có tác dụng nâng cao nhận thức rõ rệt.

Nghiên cứu gần đây về não bộ cho thấy “Việc học hành có thể hiệu quả hơn khi các nhân tố kích thích bên ngoài được dẹp bỏ”. Các khoảng thời gian suy ngẫm trong yên lặng không chỉ xoa dịu linh hồn mà còn xúc tiến sự liên tưởng, củng cố và khắc ghi cần thiết để học hỏi hiệu quả.

Sự yên lặng cho phép não bộ vận hành nhanh và hiệu quả hơn trong việc xử lý lượng thông tin khổng lồ, các yếu tố kích thích và những thay đổi mà các em phải đối diện từng giờ, từng ngày ở trường cũng như ở nhà.

Khi các học sinh bj chấn động dữ dội, chỉ có sự yên lặng thôi thì chưa đủ để trấn an một tâm trí quay cuồng. Khi đó, một vài bài tập thở có thể sẽ hiệu quả. Một bài tập thở được thiết kế tốt sẽ giúp học sinh tập trung.

Việc nâng cao khả năng học tập, giải quyết vấn đề và liên tưởng, cũng như sự yên lặng và tĩnh tại, đều giúp nuôi dưỡng Linh hồn. “Nơi Linh hồn được hình thành là một chốn sâu hợp thành từ tư duy và điều kỳ diệu”.

Những lợi lạc của sự thinh lặng đan xen vào nhau… không thể phân tách hoàn toàn về khía cạnh nhận thức, tâm lý hay tâm linh.

Sự yên lặng cho các bạn trẻ một cơ hội thiết lập sự gắn kết sâu sắc với chính bản thân mình, vượt ra ngoài những kỹ năng cảm xúc để chạm đến cốt lõi bản thể của họ.

“Tôi là ai?” là một câu hỏi lặp đi lặp lại trong “bí ẩn”. Những khoảng thời gian suy tư trầm lặng là thiết yếu trong các bài tập hoạch định mục tiêu và ra quyết định hoặc cho các hoạt động đánh giá bản thân được thiết kế để xác định và củng cố các thành tố của nhân cách cá nhân. Khi thoát khỏi tác động hay sức ép từ bạn bè, các học sinh dễ dàng tiếp cận các giá trị, niềm tin, ưu tiên, mục tiêu và ý thức về mục đích của bản thân mình.

Trong các môn học khuyến khích học sinh liên kết các chủ đề học tập với cuộc sống, việc suy ngẫm trầm lặng sẽ nâng cao chất lượng của các bài tập “nhật ký công tác”, tiểu luận, hoặc thảo luận, cho phép học sinh thể hiện những mối liên kết này.

“Giáo viên cũng cần yên lặng”

Chúng ta có thể thực sự mang đến cho các học sinh của mình niềm vui của sự yên lặng không, nếu bản thân chúng ta ở vị trí giáo viên không trải qua điều đó trong cuộc sống bộn bề của mình?

Chúng ta cần tích cực thực hành sự lặng yên nếu muốn áp dụng nó hiệu quả trong lớp học.

Khoảng thời gian yên lặng có thể giúp các giáo viên chuẩn bị tốt hơn để chào đón linh hồn vào trong tiết học. Đôi khi, chúng ta đến lớp học trong tình trạng bị bủa vây bởi những vấn đề cảm xúc hoặc bị kiệt sức vì một xung đột nào đó. Nếu có thể dọn sạch tâm và trí và làm mới tinh thần, chúng ta có thể giảng dạy nhiệt tình hơn với học sinh.

Nguồn: “The Soul of Education”, Rachael Kesslar
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Để lại một bình luận