“Chánh niệm”

Trong tiếng Hoa, ‘chánh niệm’ viết là ‘nian’ (niệm). Ký tự này là sự kết hợp của 2 ký tự viết riêng biệt, mỗi ký tự có một nghĩa riêng của nó.

Phần trên của ký tự niệm là (kim) nghĩa là ‘bây giờ’, và phần dưới là ký tự (tâm) nghĩa là ‘tim’ hay ‘tâm trí’. Theo nghĩa đen, từ ghép này nghĩa là hành động cảm nghiệm thực tại bằng trái tim.

“Nhận thức từng khoảnh khắc”

Vậy “chánh niệm” là “sự nhận thức từng khoảnh khắc” về những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh ta. Nó giúp ta giữ mối liên hệ với những điều kỳ diệu của cuộc sống, tồn tại ở đây và vào lúc này. Tâm hồn của ta rộng mở và hòa trong thời khắc hiện tại, nhờ thế ta có thể hiểu được bản chất thật sự của nó.

Bằng cách hiện hữu và sống chánh niệm trong hiện tại, chúng ta có thể chấp nhận mọi sự tại thời khắc đó, cho phép sự thay đổi diễn ra một cách tự nhiên, không có sự giằng co, không có sự kháng cự và xét đoán thường khiến ta đau khổ.

“Chánh niệm là một nguồn năng lượng”

Chánh niệm là một nguồn năng lượng giúp chúng ta nhìn thấu cơ thể, cảm xúc, cảm nhận tâm trí của chúng ta, và tất cả mọi sự quanh ta.

Đó là nguồn ánh sáng trong bóng tối, giúp chúng ta thấy rõ nghiệp cảm của cuộc sống chúng ta trong mối quan hệ với mọi sự khác.

Chính qua dạng thấu biết này, chúng ta có thể đưa chính mình vượt khỏi vô minh, nguyên nhân chính của đau khổ.

“Đó là điều cần học biết”

Mặc dù đã có nhiều sách viết về quyền năng của chánh niệm, chánh niệm chỉ có thể học được qua hành động.

Giống như một trẻ nhỏ tập đi phải nỗ lực hết lần này sang lần khác… học bò, rồi học đứng, vấp ngã vô vàn lần, rồi lại đứng lên… nếu ta muốn đạt được chánh niệm, hãy liên tục áp dụng điều này trong mọi việc mình làm, để nó trở thành như bản năng. Tuy nhiên, chánh niệm không tự nó xảy đến. Ta cần phải có khao khát thực hành nó.

Chánh niệm có thể giúp ta hiểu bản thân mình trong mối quan hệ với tất cả mọi sự bên trong và xung quanh chúng ta.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

“Thở có ý thức”

Việc thực hành quan trọng đầu tiên là nhận thức đầy đủ về việc thở.

Ngồi thoải mái trên ghế, bàn chân chạm đất vững vàng, và giữ lưng thẳng… Hướng sự tập trung của ta vào hơi thở ra và thở vào. Nói thầm:

“Khi tôi hít vào, tôi biết mình đang hít vào. Khi thở ra, tôi biết mình đang thở ra.”

Bài tập thở có ý thức này đơn giản, nhưng nếu luyện tập đều đặn, nó có hiệu quả to lớn. Để thành công, chúng ta phải tập trung toàn bộ sự chú ý vào việc thở, chứ không một điều gì khác.

Khi các ý nghĩ phân tâm trỗi dậy, ta hãy để chúng đi và tập trung trở lại vào hơi thở. Tâm trí của ta giữ tập trung vào việc thở trong suốt chiều dài của mỗi hơi thở. Khi thở, chúng ta trở thành một với hơi thở của mình. Cơ thể và hơi thở không phải là những thực thể tách biệt. Đây là “chánh niệm của thân trong thân”.

Thở có ý thức là một phương cách tuyệt vời để về lại với chính mình, giống như đứa trẻ trở về nhà sau một hành trình dài. Khi tĩnh tại, chúng ta cảm thấy sự bình thản bên trong ta, và ta tìm lại được chính mình.

Thở có ý thức còn cho phép chúng ta giao kết với cuộc sống trong thời khắc hiện tại, thời khắc duy nhất mà chúng ta có thể thực sự chạm vào cuộc sống.

Khi dõi theo hơi thở, chúng ta thanh thản, không còn bị chi phối bởi những nỗi lo toan, oán giận, và ham muốn. Khi thở có ý thức, chúng ta trở nên vững vàng hơn trong từng khắc.

Nguồn: “Ăn trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức”, Thích Nhất Hạnh
Nguồn: “Mindful Eating, Mindful Life”, Thích Nhất Hạnh
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời