“Hơi thở là cuộc sống”

Hơi thở là sự sống, ngừng thở là chết. Hơi thở trọng yếu, tự nhiên, nhẹ nhàng, hiển lộ. Nó là bạn đồng hành liên tục của chúng ta. Bất cứ nơi nào chúng ta đi, trong mọi lúc, hơi thở duy trì sự sống và tạo cơ hội cho sự phát triển tâm linh.

“Chánh niệm hơi thở”… là một kỹ thuật thiền trụ vào hơi thở. Nó là một công cụ tinh tế để ta khám phá sự sống thông qua nhận thức vi tế và là một nghiên cứu tích cực về hơi thở và hoạt động của hơi thở và của sự sống.

Phương pháp Tự Học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Thiền là Quan Sát Hơi Thở

“Thực tập chánh niệm”

Trong khi thực hành chánh niệm trên hơi thở và thông qua hơi thở, chúng ta phát triển và tăng cường khả năng tinh thần và phẩm chất tâm linh. Chúng ta học cách thư giãn cơ thể và an định tâm trí.

Khi tâm tĩnh lặng và trong sáng, chúng ta xem xét cách cuộc sống mở ra như thế nào, như đã được kinh qua bởi cái trí và cơ thể. Chúng ta khám phá ra thực tế cơ bản của sự tồn tại của con người và học cách sống cuộc đời mình trong sự hòa hợp với thực tại đó.

Trong lúc đó, chúng ta bám trụ vào hơi thở, được nuôi dưỡng và được duy trì bởi hơi thở, được xoa dịu và quân bình bởi hơi thở, nhạy cảm đối với hơi thở vào và thở ra. Đây là cách thực hành của chúng ta.

“Chánh niệm với hơi thở”

Chánh niệm với hơi thở là một hệ thống thiền, hoặc tu luyện tinh thần (Citta – bhavana). Đây là phương pháp được Đức Phật Cồ Đàm luyện tập và giảng dạy thường xuyên nhất.

Trong hơn 2.500 năm, phương pháp thực hành này đã được bảo tồn và lưu truyền. Nó tiếp tục là một phần quan trọng trong cuộc sống của các Phật tử thuần hành ở Châu Á và trên khắp thế giới.

Các hình thức bao hàm toàn diện của chánh niệm với hơi thở của đức Phật dạy nhằm dẫn đến việc hiện thực hóa các tiềm năng cao nhất của nhân loại… một sự tỉnh thức tâm linh và giải thoát.

“Anapanasati”

Trong ngôn ngữ Pali của kinh điển Phật giáo, phương pháp thực hành này được gọi là “Anapanasati”, có nghĩa là “chánh niệm hơi thở vào và hơi thở ra”.

“Anapanasati”… là một phương pháp có hệ thống, liên tục buông bỏ càng lúc càng nhiều những mê chấp vi tế cho đến khi không còn một cái chấp nào nữa.

Chánh Niệm là kết quả của Thiền Định kiên trì

“Anapanasati”… tốt cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chúng ta. Hơi thở đúng làm chúng ta điềm tĩnh và giúp chúng ta loại bỏ những căng thẳng, huyết áp cao, bồn chồn và những vết loét mà đã làm hại bao nhiêu sinh mạng trong thời gian sau này. Chúng ta có thể học được hành động đơn giản và tốt đẹp của việc ngồi trong yên lặng, sinh động với hơi thở của chúng ta, không còn căng thẳng, không còn lo lắng hay băn khoăn. Sự điềm tĩnh nhẹ nhàng này có thể được duy trì trong các hoạt động hằng ngày và sẽ cho phép chúng ta làm mọi chuyện với phong thái uyển chuyển và khéo léo hơn.

“Anapanasati”… đem chúng ta về với thực tế và thiên nhiên. Trong anapanasati, thông qua hơi thở, chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với cơ thể của mình và tính tự nhiên của chúng. Chúng ta gắn liền với thực tại cơ bản của loài người, điều mà sẽ đem đến sự ổn định cần thiết để chúng ta có thể đối phó một cách khôn ngoan với các cảm giác, cảm xúc, những suy nghĩ, những ký ức và tất cả các phần còn lại bên trong chúng ta. Chúng ta bắt đầu học được cái gì là cái gì, những gì là thật và đâu là không… những gì cần thiết, những gì không cần thiết, đâu là xung đột và đâu là bình yên.

“Sống trong hiện tại”

Với “Anapanasati”, chúng ta học cách sống trong giây phút hiện tại, nơi duy nhất mà ta có thể sống một cách chân thật. Sự ray rứt dai dẳng về quá khứ… cái đã chết hoặc mơ ước về tương lai… cái sẽ mang đến cái chết… là không thật sự sống như cách mà một con người nên sống.

Tuy nhiên, mỗi hơi thở là một thực tại sống động nằm trong cái tại – hiện vô tận. Nhận thức được hơi thở là đang sống, đang sẵn sàng tham gia hết mình vào những gì sắp xảy ra tiếp theo.

“Buông bỏ”

“Anapanasati”… giúp chúng ta buông bỏ sự ích kỷ thường phá hủy cuộc đời và thế giới của chúng ta.

Bám chấp là một thói quen lâu đời nhất của chúng ta. Nếu chúng ta có thể buông bỏ nó một cách dễ dàng, chúng ta sẽ trở thành Phật “một cái rụp”. Thay vào đó, hầu hết chúng ta phải cật lực xử lý các bám chấp của chúng ta và thói quen đổi thay và chụp bắt. Anapanasati là một trong những cách để buông xả.

“Anapanasati”… sẽ dắt chúng ta đến chỗ tận cùng của “cái tôi” và “cái thuộc về tôi”, những điều tạo ra tính ích kỷ. Chúng ta không cần thiết phải la hét vì hòa bình trong khi chúng ta chỉ cần đơn thuần hít thở trong một ý thức khôn ngoan.

Con đường Trung Đạo chính là cuộc sống của bạn

“Trung đạo”

“Trung đạo” cũng là một phương thức thực hành đúng đắn, một kỹ năng khéo léo trong cách sống của chúng ta. Trong khi thực hành “Anapanasati” một cách đúng đắn, thì chúng ta cũng đang sống đúng. Chúng ta không làm hại đến bất kỳ sinh vật nào, không hại người khác mà cũng không hại bản thân ta. Phương pháp này không ngược đãi một ai.

Khi chúng ta đã thuần thục với pháp này, chúng ta trở nên quen thuộc với phong cách hành xử đúng đắn, cân bằng, và không chấp thủ. Chúng ta không bị mắc kẹt trong các thái cực, hay trong bất kỳ cái bẫy nhị nguyên nào.

Thiền là sự tu dưỡng và thực hành không chấp thủ. Đức Phật đã dạy về con đường trung đạo, và “Anapanasati” không gì khác hơn chính là con đường trung đạo.

Nguồn: “Mindfulness with Breathing”, Buddhadasa Bhikku
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời