Trong nhiều thập niên, Dalia Isicoff phải khổ sở vì đau nhức bởi chứng viêm đa khớp, thoái hoá cột sống và nhiều lần giải phẫu khớp hông.

Thuốc giảm đau giúp làm dịu các cơn đau, nhưng đến khi theo học một khoá tại Trung tâm Y Khoa Bổ Sung thuộc Đại học Maryland thì Isicoff mới phát hiện ra một vũ khí hiệu nghiệm trong chính cơ thể của mình: tâm trí.

Dùng một phương pháp thiền tên là Tỉnh thức – giải trừ căng thẳng cố hữu (MBSR), Isicoff đã học được cách chấp nhận cơn đau thay vì phản kháng nó. Lối suy nghĩ tiêu cực và nản lòng theo kiểu “bệnh tình ngày càng tệ hại”, “mình sắp ngồi xe lăn rồi…” bắt đầu tan biến và bà đã bắt đầu giảm liều dùng thuốc!

Tại “Trung tâm Tỉnh thức Trong Y khoa”, “Y tế và Xã hội” thuộc Đại học Y khoa Massachusetts, nơi MBSR được triển khai bởi Jon Kabat-Zinn, một người đi đầu trong lĩnh vực này, 15.000 người đã tham dự khoá học tám tuần theo phương pháp này; hàng trăm người khác đã đăng ký tại các dưỡng đường y khoa trên khắp xứ sở.

Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy sự tỉnh thức có thể làm giảm đau và giảm lo âu. Hiện nay các nhà nghiên cứu đang dùng phương pháp quét não và xét nghiệm máu để nghiên cứu các hiệu ứng sinh học của nó và các kết quả ban đầu thật đáng chú ý: Mùa xuân này, Viện Y Tế Quốc Gia đã tổ chức hội nghị đầu tiên về đề tài này.

“Những nguời trong cộng đồng khoa học thường nghĩ rằng đay là một khái niệm tù mù rất ư là bí hiểm”, nhà tâm lý học Ruth Baer, thuộc Đại Học Kentucky, cho biết. “Giờ đây họ lại lên tiếng, ‘Này chúng ta nên bắt đầu chú tâm'”. 

Chú tâm là tinh tuý đích thực của sự tỉnh thức. Trong những đợt thiền 45 phút, những người tham dự học cách quan sát những ý tưởng xao động trong tâm trí và những cảm giác thực thể trong cơ thể. Nguyên tác dẫn dắt ở đây là hãy hiện hữu trong từng khoảnh khắc, nhận biết điều gì đang xảy ra, nhưng không chỉ trích hoặc đánh giá. Không đơn giản.

Tâm viên của ta khiến ta xao động giữa những tiếc nuối của quá khứ và âu lo cho tương lai, chẳng còn mấy thời gian cho “tại và hiện”. Những lần tập đầu tiên sẽ vấp phải sự băn khoăn. “Mình sẽ chẳng bao giờ làm được”, “Mất kiên nhẫn”, “Chừng nào mới xong?” và thậm chí những tia nghĩ đời thường chẳng hạn như “Mình sẽ nấu món gì ăn tối đây?”. Mục đích là để ta quan sát những ý nghĩ lộn xộn một cách từ bi, để chấp nhận chúng như giả tạm, “như bọt trong một ấm nước hoặc như thời tiết trên trời”, theo lời Kabat-Zinn.

Nguyên tắc cốt yếu của sự tỉnh thức là thiền hằng ngày, nhưng phương pháp này được dự liệu để trở thành một phong cách sống.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Tại Đại Học Stanford, Philippe Goldin đã khích lệ những bệnh nhân đang phải chống chọi với chứng rối loại âu lo hãy dành ra những khoảng nghỉ có ý nghĩa trong ngày để theo dõi và giải quyết những nỗi sợ hãi và ngờ vực bản thân.

Một bệnh nhân cho biết, “Cách này đã giải quyết được vấn đề. Tôi luôn cho rằng mình không thể tránh được sự kiềm toả của nỗi lo âu, nhưng tôi đã nhận ra lối thoát. Giờ đây tôi kiểm soát được nó. Vấn đề chỉ là học được cách buông xả nó đi.”

Sự tỉnh thức giúp ta thoát ra khỏi những lối mòn xưa cũ. Ta không còn giằng co với trí não của mình trên võ đài nữa. Ta quan sát từ khán đài một cách thích thú. Sự buông xả không dẫn đến thụ động, mà dẫn đến những lối tư duy mới!

Địa hạt nghiên cứu sắp tới của khoa học là tác dộng sinh học của sự tỉnh thức đối với não bộ, máu huyết và hệ miễn dịch.

Trong một nghiên cứu khiến nhiều người quan tâm được đăng tải cách đây nhiều năm, Kabat-Zinn phát hiện ra rằng khi các bệnh nhân vẩy nến lắng nghe băng ghi âm thiền trong lúc điều trị bằng ánh sáng tử ngoại, họ lành bệnh nhanh gấp bốn lần so với nhóm đối chứng.

Nguồn: “Newsweek” 27/09/2004 – Claudia Kalb
Người dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời