Hành động giản đơn khi ta ngồi trong một tư thế thẳng đứng và vững chãi với tác phong tĩnh tại tự thân nó cũng đã có tầm quan trọng! Sự bất động hoàn toàn cũng chứa đầy ý nghĩa chẳng khác gì một hành động biểu lộ như khiêu vũ hay quyền thuật. Nếu có thể ngồi như một vị Phật, có lẽ chúng ta có thể khám phá được Phật tính của chúng ta! Phẩm hạnh đó chẳng liên quan gì đến sự tự nhận thức bản thân và cũng chẳng phải là một sự mô phỏng!

Chúng ta nghĩ rằng cảm xúc thuộc về tâm trí, nhưng thân xác và tâm trí, mặc dù tách biệt nhau, lại liên quan đến nhau, và tâm trí cũng là một yếu tố hệ trọng để hình thành một tư thế ngồi vững chãi.

Tư thế ngồi không phải là một yếu tố phụ mà là yếu tố hệ trọng trong tu tập. Chính tâm trí cần an toạ trong toà sen!

Cố gắng ngồi thẳng và thoải mái, thư giãn và cân bằng. Đây không phải là một sự khắt khe vô lối, khiến xương sống bị gò bó và bất chấp mọi tư thế, mà là một tư thế thẳng đứng trong thư giãn và tỉnh táo, một tư thế thẳng đứng trỗi dậy từ bên trong.

Một khi đã đạt được một tư thế vững chãi, ta sẽ xuất hiện sự tỉnh thức.

Sự tỉnh thức không thiên vị. Nó không ủng hộ hay phản đối một điều gì. Hệt như một tấm gương không hề đánh giá những gì mà nó phản chiếu. Sự tỉnh thức không có mục đích nào khác ngoài quan sát chính nó. Nó không cố gắng thêm hay bớt chút nào từ những gì đang xảy ra, hay hoàn thiện điều gì theo bất kỳ cách nào.

Nó không tách biệt, hệt như một người đứng trên một ngọn đồi cách xa một trải nghiệm, và quan sát trải nghiệm ấy bằng ống nhòm. Nó là một hình thức can dự mà theo đó ta sống trọn vẹn cuộc sống của mình, nhưng tỉnh thức ngay trong nó và không bị giới hạn trong không gian thiền.

Phẩm chất này của sự tỉnh thức, của sự can dự vào một trải nghiệm, là những gì xuất hiện khi người hành thiền đạt được tư thế ngồi. Thoạt đầu, người hành thiền đưa sự nhận biết của mình vào trong một tiến trình hết sức đơn giản.

Luôn luôn tỉnh thức, người hành thiền hít vào trong tỉnh thức và thở ra trong tỉnh thức.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Vấn đề là khi chú tâm vào hơi thở, ta chú tâm vào sinh lực. Cuộc sống khởi đầu với hơi thở đầu tiên của ta và kết thúc sau hơi thở cuối cùng của ta. Định tâm vào hơi thở chính là định tâm vào cuộc sống.

Tất cả chúng ta đều thở. Ta cần biết rằng mình đang không ở trong một trạng thái ý thức về trí óc, mà cần nhận biết cảm giác giản đơn của hơi thở vào và ra. Hãy cho phép hơi thở tuân theo bản chất của chính nó, tự thở. Chúng ta không có gắng thở sâu hay thở nông. Chúng ta chỉ quan sát nó diễn ra.

Điều cần làm ở đây là buông, phó mặc cho sự thở. Ngay trong chính yêu cầu đầu tiên này, ta đã học được nghệ thuật buông xả. Nếu học được cách cho phép hơi thở tiếp diễn một cách tự nhiên mà không can thiệp, khi ấy có lẽ ta có thể làm được điều đó với các khía cạnh khác trong trải nghiệm của mình. Ta có thể học được cách buông cảm xúc, buông tâm trí.

Nếu đã ngồi với hơi thở dù chỉ trong vài phút, ta sẽ thấy phương pháp này là một sự mời gọi cho mọi thứ nội tại trong ta trỗi dậy. Ta sẽ thấy tâm trí cuồng nộ của mình, mà tất cả chúng ta đều có, thoạt đầu hoàn toàn lấn át.

Mục đích tối thượng, mặc dù không đơn giản và đòi hỏi thời gian để đạt được, là cho phép mọi thứ trỗi dậy với tất cả năng lượng của chúng.

Hơi thở là một đối tượng mà từ đó Đức Phật thường thiền. Nó chính là thứ mà ngài đã tự vận dụng để đạt đến giác ngộ. Ngài đã tiếp tục thực hành với nó suốt nhiều năm sau khi đã giác ngộ. Hơi thở, như chúng ta sẽ dần dần khám phá, là cả một thế giới. Nó rất đáng để nghiên cứu trọn đời.

Và nó là một sự trợ thủ tuyệt vời để giúp chúng ta trụ lại trong khoảnh khắc hiện tại. Hãy giữ cho hơi thở giản đơn, và trụ lại trong khoảnh khắc hiện tại.

Nguồn: “Breath by Breath – The Liberating Practice of Insight Meditation” – Larry Rosenberg
Người dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Trả lời