“Anh ấy đi vào rừng, đến một gốc cây, hay một căn phòng trống không, ngồi xuống bắt chéo chân lại và thiết lập chánh niệm trước mặt. Anh ấy hít vào, biết rõ mình đang hít vào. Anh ấy thở ra, biết rõ mình đang thở ra”.

Bài thực hành đầu tiên là hoàn toàn theo dõi hơi thở. Khi chúng ta hít vào, chúng ta biết rằng chúng ta đang hít vào. Khi chúng ta thở ra, chúng ta biết rằng chúng ta đang thở ra.

Thực hành theo cách này, cách thở của chúng ta trở thành cách thở ý thức. Bài tập này đơn giản, nhưng tác dụng của nó rất sâu sắc. Để thành công, chúng ta phải đặt toàn bộ tâm trí của mình vào hơi thở và không nơi nào khác.

Khi chúng ta theo dõi hơi thở vào của mình, chúng ta cần phải cảnh giác đối với các tư tưởng làm chia trí. Ngay khi một ý niệm như “tôi đã quên tắt đèn trong nhà bếp” phát sinh, việc thở của chúng ta không còn là cách thở có ý thức bởi chúng ta đang nghĩ về một việc gì khác.

Để thành công, tâm trí của chúng ta cần phải tập trung vào hơi thở với toàn bộ chiều dài của mỗi hơi thở. Khi chúng ta thở, tâm trí là một với hơi thở, và khi đó chúng ta trở thành một với hơi thở của mình.

Nếu chúng ta liên tục hít thở một cách có ý thức đến mười hơi thở, mà tâm trí không hề đi lang thang đâu mất, đó là chúng ta đã bước được một bước rất giá trị trên con đường thực hành. Nếu chúng ta có thể thực tập cách thở ý thức trong mười phút, một sự thay đổi quan trọng sẽ xảy ra trong chúng ta.

Kết quả đầu tiên của cách thở có ý thức là trở về với chính bản thân mình. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường bị lạc trong sự lãng quên. Tâm trí của chúng ta đuổi theo hàng ngàn thứ, và chúng ta hiếm khi dành thời gian để trở về với chính bản thân mình. Khi chúng ta đã bị lạc trong sự lãng quên như thể trong một thời gian dài, chúng ta mất liên lạc với chính mình, và chúng ta cảm thấy xa lạ với chính mình. Thở có ý thức là một cách kỳ diệu để trở về với chính bản thân mình.

Khi chúng ta ý thức được hơi thở của mình, chúng ta trở lại với bản thân nhanh như một tia chớp. Giống như một đứa trẻ trở về nhà sau một hành trình dài, chúng ta cảm thấy sự ấm áp của bếp sưởi, và chúng ta lại tìm thấy mình một lần nữa.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Kết quả thứ hai của việc thở có ý thức là chúng ta tiếp xúc lại được với sự sống trong thực tại hiện tiền, thời khắc duy nhất mà chúng ta có thể chạm được sự sống. Sự sống đang ở bên trong và xung quanh chúng ta luôn rất tuyệt vời và phong phú. Nếu chúng ta không tự do, chúng ta không thể tiếp cận được với nó, và chúng ta không thực sự sống cuộc sống của mình. Chúng ta không nên bị giam hãm bởi những hối tiếc của quá khứ, những lo lắng của tương lai, hay bởi sự bám chấp và ác cảm trong hiện tại.

Hít thở trong một sự tỉnh thức trọn vẹn là một phương cách kỳ diệu để tháo gỡ những thắt nút của sự hối tiếc, lo lắng và để xúc chạm lại với sự sống trong thực tại hiện tiền. Khi chúng ta theo dõi hơi thở của mình, chúng ta đương nhiên được thanh thản, không còn bị ức chế bởi những mối lo âu và khát vọng. Khi chúng ta hít thở một cách có ý thức, hơi thở của chúng ta trở nên đều đặn hơn, bình an và niềm vui phát sinh nhiều hơn, trở nên ổn định hơn trong từng khoảng khắc.

Dựa vào hơi thở của mình, chúng ta trở lại với chính bản thân mình và có thể khôi phục lại sự hợp nhất của thân và tâm. Sự hòa hợp này cho phép chúng ta được tiếp xúc thực với những gì đang xảy ra trong thời điểm hiện tại, đó là tinh túy của sự sống.

Khi thân và tâm là một, những tổn thương trong trái tim, tâm trí và cơ thể của chúng ta bắt đầu lành lặn. Bao giờ còn có sự tách biệt giữa thân và tâm, những tổn thương này không thể lành lặn được.

Trong suốt thời gian ngồi thiền, ba yếu tố… hơi thở, thể xác, tâm trí đều lắng đọng, và dần dần chúng trở thành một. Khi một trong ba yếu tố có được bình an, thì hai cái còn lại cũng sẽ mau chóng có được bình an.

Nếu chúng ta thực tập việc thở có ý thức theo đúng cách, hơi thở trở nên đều đặn hơn, lắng đọng hơn, và hài hòa hơn trong từng khoảnh khắc thì sự đều đặn, sự điềm tĩnh và hài hòa của hơi thở sẽ lây lan sang cơ thể và tâm trí của chúng ta, và cơ thể, tâm trí sẽ được lợi lạc từ điều này.

Khi có sự hợp nhất của thân và tâm, hơi thở phục vụ như là một nhạc công “hòa điệu”, và chúng ta tìm được bình an, niềm vui, và thanh thản, những thành quả đầu tiên của việc thực hành thiền.

Nguồn: “Transformation & Healing”, Thích Nhất Hạnh
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc

Để lại một bình luận