Thiền định – Giác ngộ – Khai sáng – Vui sống

Tất cả chúng ta đều có tiềm năng thần thánh. Và chúng ta phải thực hành để trở thành những vị thánh. Chúng ta phải ứng dụng tiềm năng thần thánh của mình trong mỗi một suy nghĩ, trong hành động và lời nói hàng ngày.

Khi ta tiếp tục nâng cao hiểu biết của mình về Khoa học Tâm linh, khi ta tiếp tục thực hành thiền định, khi ta càng ngày càng có thể hiện thực hóa năng lực thần thánh của ta thì niềm vui sống sẽ gia tăng.

Mục tiêu không đổi của tâm linh là để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

Thiền định – bước đầu tiên

Thiền định nghĩa là kiểm soát được tâm trí, làm chủ được tâm trí.

Trong thiền định có 3 giai đoạn: Anapanasati – Kayanupassana – Vipassana

Anapanasati nghĩa là hòa quyện với Hơi thở nhẹ nhàng, êm dịu, đơn giản, tự nhiên.

Kayanupassana là quan sát (chỉ một ít) sự vận động của những vùng năng lượng trong cơ thể, vốn là kết quả của thực hành Anapanasati.

Vipassana là dồn toàn bộ sự chú ý vào trải nghiệm của con mắt thứ 3 được khai mở khi nhận được đầy đủ năng lượng nhờ thực hành Anapanasati

Giác ngộ – bước thứ hai

Khi chúng ta tiếp tục thực hành thiền Anapanasati, ta sẽ bước vào giai đoạn Vipassana và bắt đầu hiểu rằng bản chất của ta từ “con mắt thứ ba”. Ta hiểu rằng ta chính là Linh hồn. Đây gọi là Giác ngộ.

Khi ta tiếp tục tăng sự tập trung vào Giác ngộ, ta sẽ ngày càng làm chủ được tâm trí, khi đó chúng ta có được chánh niệm trong thế giới vật chất hằng ngày.

Bước đầu tiên của thiền định dẫn đến bước thứ hai là Giác ngộ.

Tuy vậy, để việc Giác ngộ trở nên vững chắc thì cần phải thực hiện 2 hoạt động thiết yếu nữa :

Swadhyaya

Satjana Sangatya

Chỉ có tâm trí được thuần hóa tốt mới có thể có được Swadhyaya – nghĩa là đọc đúng sách tâm linh, và Satjana Sangatya – nghĩa là gặp đúng người.

Swadhyaya – đọc đúng sách tâm linh

Satjana Sangatya – gặp đúng người

Không đọc đúng sách và không tiếp xúc đúng người thì Giác ngộ sẽ không trưởng thành được.

Giác ngộ nghĩa sâu xa hơn có nghĩa là:

Không oán thán bất cứ điều gì

Không phí phạm thời gian

Chúng ta không tồn tại trên Trái đất này để mà oán thán. Cho dù hoàn cảnh có thế nào, thành công hay chẳng thành công, thì chúng ta ở đây là để vui sống và tận hưởng hạnh phúc.

Vui sống là kết quả tự nhiên khi ta hiểu rằng mọi thứ gọi là “thất bại” thật ra chẳng gì hơn ngoài một bước trung gian đến thành công sau này.

Điều duy nhất ta cần tránh là “hối tiếc”. Hối tiếc là ta đang tiêu tốn năng lượng quá đáng vào quá khứ – một thứ đã vĩnh viễn qua đi. Mỗi hối tiếc là một sai lầm lớn. Ta có thể phạm lỗi – lỗi lầm là tự nhiên mà! – nhưng không nên mãi chìm đắm trong hối tiếc.

Thứ hai, nên sử dụng mỗi giây phút hiện tại một cách sáng tạo và hiệu quả nhất.

Tỉnh thức – bước thứ ba

Những người Giác ngộ đều nhận thức sâu sắc về mọi thứ xung quanh trong mọi khoảnh khắc, mọi hoàn cảnh.

Tỉnh thức có nghĩa là: từ “nơi đó” và “lúc đó”, chúng ta trở lại với thời điểm “ngay tại đây” và “ngay lúc này”.

Để tỉnh thức thì việc trở thành một bậc thầy của chính bản thân mình là điều cần thiết. Một bậc thầy tâm linh là điển hình toàn vẹn cho sự tỉnh thức cấp cao.

“Tỉnh thức” có 2 khía cạnh thiết yếu:

Sống trong giây phút hiện tại

Sống trong cõi phi thời gian, vĩnh cửu, bất tận

“Tỉnh thức” nghĩa là cống hiến toàn bộ vào công việc đang thực hiện ngay hiện tại.

“Tỉnh thức” nghĩa là hoàn toàn sống với hoàn cảnh hiện tại, ngay lúc này.

“Tỉnh thức” nghĩa là hạnh phúc dõi theo và quan sát những cảm xúc tự nhiên  “ngay tại đây” và “bây giờ”.

“Tỉnh thức” cũng có nghĩa là sống trong cõi hiện tiền phi thời gian, vĩnh cửu, bất tận. Có quá khứ, có hiện tại và có cả tương lai. Nhưng những thứ đó không hề tách biệt thành những khối riêng biệt, mà là một dải dài to lớn, bao la, tiếp nối của sự tồn tại – một cõi phi thời gian bao la vĩ đại.

“Sống thông thái” đòi hỏi chúng ta phải xem xét hiện tiền quá khứ và hiện tiền tương lai để biết được hành động/phản ứng hiện tại nào là thích hợp nhất.

“Sống thông thái” cũng đòi hỏi ta phải xem xét quá khứ vĩnh cửu và tương lai vĩnh cửu để biết được hành động/phản ứng hiện tại nào thích hợp nhất, hoàn hảo nhất.

Niềm vui sống – bước cuối cùng

Kết quả tối hậu của thiền định là sự giác ngộ. Kết quả sau cùng của giác ngộ là tỉnh thức. Và kết quả tận cùng của tỉnh thức là niềm vui sống.

Giờ đây, mỗi khoảnh khắc sống đều là niềm vui. Giờ đây, mỗi hoàn cảnh đều được nắm bắt và thưởng thức. Giờ đây, cuộc sống trở nên hoàn toàn sống động. Giờ đây, cuộc sống trở nên thực sự diệu kỳ.

Giờ thì mỗi một ý nghĩ đều sản sinh sức mạnh. Ngay khi mỗi ý nghĩ hình thành thì nó đều được hiện thực hóa y như đúc, không hề biến dạng.

Giờ thì mỗi từ ngữ trở nên thật mạnh dạn, mỗi hành động đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật khả ái.

Giờ đây, cuộc sống đã trở thành một lễ hội thường kỳ.

Niềm vui sống có 2 khía cạnh thiết yếu:

Cho thật tình

Nhận thật tình

Càng nhiều niềm vui sống nghĩa là càng thấu cảm, càng vui vẻ và nhiệt tình cho đi. Thấu cảm và liên tục cho đi sẽ trở thành thói quen tự nhiên.

Càng nhiều niềm vui sống cũng có nghĩa là càng vui vẻ chấp nhận mọi thứ ta nhận được. Trạng thái luôn vui vẻ và nhiệt tình chấp nhận sẽ trở thành thói quen tự nhiên.

Luôn có sự cho và nhận trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.

Một cuộc sống năng động và đầy sức sống là cuộc sống “cho” và “nhận” thật nhiều.

THIỀN ANAPANASATI

Từ Ananpanasati” trong tiếng Phạn có nghĩa là chuyển toàn bộ sự chú ý và ý thức vào quá trình thở tự nhiên, bình thường của mình.

“ana” nghĩa là “hít vào”

“apana” nghĩa là “thở ra”

“sati” nghĩa là “hòa nhập cùng hơi thở”

Trong “Anapanasati”, tâm trí luôn ý thức vào hơi thở tự nhiên, bình thường. Bạn chỉ việc thoải mái, chủ động quan sát hơi thở của bạn.

Không cần tụng niệm câu chú nào, không cần nghĩ đến vị thần linh nào, không cần thực hành “hatha yogic pranayama” v.v.

Có thể ngồi bất cứ tư thế nào sao cho thoải mái – càng thoải mái, dễ chịu càng tốt. Các ngón tay nên đan vào nhau. Hãy nhắm mắt lại.

Hãy dừng những suy nghĩ lung tung trong tâm trí. Nếu có bất kỳ suy nghĩ nào tự nhiên đến hãy để nó tự nhiên đi.

“Khi ta dõi theo năng lượng hơi thở, tâm trí sẽ trở nên gần như trống rỗng. Khi đó, một nguồn năng lượng Vũ trụ to lớn sẽ tràn vào cơ thể. Dần dần con mắt thứ ba vốn vẫn đang ngủ im sẽ được khai mở. Và dần dần ta sẽ trải nghiệm được nhận thức Vũ trụ.”

Sức khỏe tâm linh chỉ có được thông qua Thiền Anapanasati

“Hòa vào hơi thở tự nhiên”

Hít vào tự nhiên, nhẹ nhàng… thở ra tự nhiên, nhẹ nhàng

Hãy để hơi thở của bạn là một nhịp điệu bình yên

Hơi thở của bạn là một nhịp điệu bình yên… hãy dõi theo hơi thở của bạn

Hãy bình yên trong tâm trí

Hãy dùng tâm trí để dõi theo hơi thở vào… ra… vào… ra… chỉ có vậy thôi

Hãy giữ yên cơ thể

Hãy hòa vào năng lượng hơi thở… hãy để năng lượng hơi thở gột rửa bạn

Thiền Anapanasati… đơn giản… dễ dàng…

Hãy thực hành thiền đều đặn… mỗi ngày

Thiền định dành cho

Bất cứ ai… bất cứ độ tuổi nào…

Bất cứ lúc nào… bất cứ nơi nào…

Thời gian tập thiền ít nhất tương ứng với độ tuổi

Ví dụ: nếu bạn 20 tuổi, hãy thiền ít nhất 20 phút mỗi ngày, nếu bạn 40 tuổi, hãy thiền ít nhất 40 phút mỗi ngày v.v.

Tác Giả: Minh Sư Subhash Patriji
Người Dịch: Nguyễn Trần Quyết

Để lại một bình luận