Tỉnh thức không-chọn-lựa và không-cố-gắng (Effortless and choiceless awareness) là bản tánh tự nhiên thật của chúng ta. Nếu chúng ta có thể đạt được trạng thái này và kéo dài được nó thì tốt. Nhưng người ta không thể đến được trạng thái này mà không có sự cố gắng, một nỗ lực hành thiền nghiêm túc.
Tất cả những khuynh hướng cố hữu lâu đời sẽ làm cho ta luôn phóng tâm theo ngoại cảnh. Hãy buông bỏ tất cả những tạp niệm này và tâm trí sẽ hướng nội, với hầu hết chúng ta, điều đó đòi hỏi sự cố gắng.
Tất nhiên, mọi vị thầy và mọi quyển sách đều khuyên hành giả rằng hãy giữ tĩnh lặng, nhưng điều này không phải dễ làm. Đó là lý do tại sao sự cố gắng này cần thiết.
Ngay cả nếu chúng ta thấy có ai đó đã đạt được tới trạng thái tối cao của tĩnh lặng, bạn cứ coi như những nỗ lực cần thiết đó đã từng được làm ở một tiền kiếp. Vì thế trạng thái tỉnh thức không-cần-chọn-lựa và không-cần-cố-gắng chỉ có thể đạt được sau khi đã từng hành thiền nghiêm túc.
Thiền có thể được thực hiện bằng bất kỳ hình thức nào hấp dẫn được bạn. Hãy xem xét bất kỳ điều gì có thể giúp bạn loại bỏ được những tạp niệm, hãy nhận nó làm pháp môn cho việc tu thiền của bạn.
Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/
Diệu lạc sẽ xảy ra nếu bạn liên tục giữ tĩnh lặng, tuy nhiên, dù bạn có nói bao nhiêu về sự thật này cho cái trí, nó cũng sẽ không giữ được tĩnh lặng. Cái trí lại đi bảo với cái trí rằng để đạt được diệu lạc thì nó phải yên lặng, nhưng nó sẽ không làm điều này.
Mặc dù tất cả kinh điển đã nói về điều này, mặc dù chúng ta nghe hàng ngày từ những bậc thầy vĩ đại hay ngay cả chính từ vị Chân Sư (Guru) của mình, chúng ta không những không bao giờ yên lặng mà còn trôi lạc luôn vào thế giới của Maya… của ảo ảnh và những đối tượng của ngũ quan (trần cảnh). Đó là lý do tại sao sự cố gắng trong tỉnh giác và nghiêm túc rất cần thiết để đạt được trạng thái tĩnh lặng không-cố-gắng.
Ngay khi bạn bắt đầu tập thiền, những tạp niệm sẽ kéo nhau đến, dồn sức lại và cố gắng áp đảo dòng niệm tưởng duy nhất mà chúng ta đang cố gắng duy trì. Dòng niệm tưởng này phải tăng mạnh dần bằng sự thực hành được lặp lại nhiều lần. Khi nào nó tăng trưởng đủ mạnh thì những tạp niệm kia sẽ tự động bay biến. Đây là trận chiến luôn diễn ra trong lúc tập thiền.
Như vậy khi nào cái ngã còn, thì sự nỗ lực vẫn cần thiết. Khi cái ngã ngưng tồn tại, mọi hành động sẽ bộc phát tự nhiên. Không ai thành công mà không có nỗ lực.
Nguồn: “Những lời dạy chân ngôn của Ramana Maharshi”, Ramana Maharshi
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc