Thiền đòi hỏi phải giữ cho trí não hoàn toàn trống vắng, trong một trạng thái tỉnh thức, tự do để chấp nhận bất kỳ cảm xúc, ý tưởng, hình ảnh hoặc viễn kiến nào đi vào và cho phép liên tưởng đến mọi khía cạnh của đối tượng hoặc ý tưởng để hiểu được hình khối, đường nét, màu sắc và cốt lõi của nó. Đó là nghệ thuật quan sát mà không suy nghĩ, không nhận định bằng tinh thần.
Thiền là một khái niệm thiên về phương Đông, khó nắm bắt và đòi hỏi thực hành rất nhiều. Ta phải mất nhiều năm tháng để có thể thiền một cách toàn tâm, và ta có thể không hoàn toàn làm chủ được nó trong kiếp sống này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ta không nên cố gắng thiền ngay bây giờ. Ngay chính nỗ lực này đã mang lại những lợi lạc sâu sắc, và ta sẽ nhanh chóng thấy mình mong thời điểm đơn độc mà thiền đòi hỏi.
Thiền làm câm lặng tiếng lao xao thường lấp đầy tâm trí ta, và sự tĩnh lặng này cho phép ta quan sát mà không đánh giá, đạt đến một mức độ khách quan cao hơn, và cuối cùng nhận thức được một trạng thái tâm thức cao.
Kèm theo đó là những lợi ích về thể chất. Khi nỗi sợ hãi là lo âu lắng dịu và sự tĩnh lặng bên trong xuất hiện, cơ thể sẽ tráng kiện. Hệ miễn dịch được tăng cường. Tôi đã thấy những chứng bệnh kinh niên thuyên giảm trong cơ thể các bệnh nhân mà tâm trí bình an.
Nếu tâm trí ta phiêu du và ta mất tập trung, đừng tự chỉ trích mình. Ý tưởng trôi đi là chuyện bình thường, và ta chỉ cần nhẹ nhàng quay trở lại chủ đề. Chỉ cần luyện tập, ta sẽ nhận ra rằng thậm chí trong khi xao lãng, tâm trí vẫn còn một sự kết nối với ý tưởng ban đầu; trong tâm thần học, ta gọi đây là “liên tưởng tự do”.
Càng thực hành, ta càng dễ duy trì sự tập trung và sự hiểu biết sẽ ngày càng sâu sắc. Vì thế, hãy phó mặc cho những ưu tư trôi đi, nhưng cũng đừng buộc mình phải ngồi quán tưởng nếu thế giới bên ngoài đang trở nên quá sức chịu đựng. Hãy thử lại vào ngày hôm sau. Hoan lạc là một thành tố trọng yếu đối với quán tưởng và thiền. Mục đích là để trở nên tự do, không trói buộc chính mình vào quá trình.
Sau khi kết thúc, mở mắt và trở lại với ý thức thường ngày, ta nên lưu lại trải nghiệm của mình trong một cuốn sổ hoặc băng đĩa. Đây là cách để củng cố tư tưởng và trợ giúp cho ký ức để có được những thấu hiểu khác trong tương lai.
Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/
Linh mục Thiên Chúa Giáo Pierre Teilhard de Chardin đã từng nói:
“Anh không phải là một con người đang trải qua một hành trình tâm linh; anh là một thể tâm linh đang trải qua hành trình làm người”.
Ta đang nói với trí não, thân thể và linh hồn của mình rằng ta tự do đi đến bất cứ nơi đâu ta muốn để tìm kiếm sự thăng tiến tâm linh. Ta không bị bó buộc bởi thời gian hoặc nơi chốn mà có thể đi về cả quá khứ lẫn tương lai, đến những miền đất đã biết hoặc chưa biết, đến những nơi nhỏ bé như trái tim con người hoặc bao la như vũ trụ.
Cũng như thôi miên, một phương cách mà tôi đã dùng để đưa các bệnh nhân trở về tiền kiếp, thiền phát triển khả năng khai phá trí tuệ để đạt đến những tác động sâu kín nhất đối với cơ thể và linh hồn chúng ta, cho dù với quá khứ, tương lai hay hiện tại. Điều nghịch lý là bằng cách dẹp bỏ ý nghĩ, giải toả tâm trí, chúng ta lại càng dễ dàng nhớ.
Ký ức về những đời sống trong quá khứ, hiện tại và tương lai giúp chúng ta xác định được nguồn gốc những tổn thương, và một khi chúng đã lộ ra, chúng ta có thể nhận ra rằng những nỗi sợ của chúng ta xuất phát từ nơi khác và không còn là một sự đe doạ nữa. Tôi có được ký ức về những tiền kiếp trong lúc thiền sâu và từ đó thấu hiểu được hành vi của mình, những e ngại của mình và những nỗi sợ hãi của mình. Nếu không thiền, tôi đã chẳng đạt được sự tự nhận biết ấy như hiện nay (và còn rất nhiều điều để học hỏi).
Chúng ta có thể dùng thiền để giải quyết các xung đột cá nhân và những mối quan hệ khó khăn hoặc để giúp chữa lành tâm của mình. Nhưng rốt cục thì đối với tất cả chúng ta, mục đích chính của thiền là nhằm đạt được bình an và sự cân bằng bên trong thông qua con đường tâm linh.
Càng ngày các bác sĩ càng thừa nhận nhiều hơn rằng chúng ta có thể chống chọi với bệnh tật, thậm chí với các căn bệnh trầm trọng, bằng một phương thuốc vừa được khám phá: năng lực chữa trị bên trong bản chất tâm linh của chúng ta (điều mà phương Tây đã phát hiện cách đây không lâu và các bác sĩ phương Đông đã biết đến nhiều thế kỷ qua). Có lẽ đây chính là liều thuốc toàn diện và chúng ta vận dụng được toàn bộ con người mình – trí não và tinh thần cũng như cơ thể.
Tôi dạy các bệnh nhân của tôi các kỹ thuật thiền để giảm mất ngủ, giảm cân, cai thuốc lá, giảm stress, kháng nhiễm trùng và chữa các chứng bệnh mãn tính, cũng như hạ huyết áp. Các kỹ thuật này phát huy tác dụng bởi vì cơ chế hoá học và vật lý của cơ thể chịu tác động từ năng lượng tinh thần và thể chất; thiền đều đặn là công cụ vô giá để khôi phục và duy trì sức khoẻ.
Thiền có thể mở ra những khả năng để trải nghiệm tâm linh vì tiềm thức là một trong những cánh cổng để đạt đến chiều kích vĩnh cửu. Cánh cổng này chẳng bao giờ rộng mở, và không có chỉ báo nào để giúp chúng ta biết con đường sẽ dẫn đến đâu. Không có mật mã hoặc thần chú nào để mở; mà nó là một tiến trình nội tâm chuyển hoá và được chuyển hoá. Nói cách khác, tâm trí là lối đi, và thông qua thiền, sẽ đến lúc ta tìm được một con đường từ lối đi đó để đạt đến trạng thái sâu sắc hơn, siêu việt hơn.
Thiền có thể đưa ta đến những nhận thức tầm cao về bản chất tâm linh của mình và đưa ta đến sự hoan lạc, thanh thoát, thoả mãn và an lạc đầy sâu lắng khi ta tiếp xúc với chiều kích sâu nhất của mình. Thiền cho phép cảm giác hoan hỉ tràn ngập trong ta khi ta định tâm vào một khái niệm hoặc đối tượng mang lại cho ta hỷ lạc. Nó cũng có thể đưa ta về lại tiền kiếp hoặc đi đến hậu kiếp; mà khi bước vào ta sẽ hiểu rõ những bài học từ đó.
Khi đạt đến nhận thức, ta sẽ thấy chính mình từ bi và yêu thương mà không đòi hỏi được đáp lại. Ta sẽ cảm thấy một sự hợp nhất với từng con người và sinh thể, với thiên nhiên, với bầu trời và biển cả, với tất cả vạn vật. Một số bệnh nhân của tôi đã bảo rằng trong lúc thiền họ rời khỏi xác thân vật chất và trôi bồng bềnh bên trên, theo dõi chính họ từ một cõi giới khác, hệt như trải nghiệm thoát xác mà những người cận tử trở về tường thuật lại. Bạn cũng có thể có trải nghiệm ấy hoặc có những cuộc phiêu lưu mà chưa một ai từng thuật lại. Chỉ có một điều chắc chắn là bạn sẽ khám phá được bản thể mạnh mẽ và căn bản nhất của mình.
Nguồn: “Same Soul, Many Bodies” – Ts. Brian Weiss
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc