Mẹ ơi! Khi mẹ là một cô bé thì con là bố của mẹ, khi đó mẹ bướng lắm nhưng con không bao giờ đánh đòn mẹ!

John đang là người công giáo nhưng anh ta tin vào luân hồi và anh ta muốn trở thành một người chăm sóc cho động vật vào kiếp sau.

Wiliam đã nói sẽ làm bác sĩ thú y để chăm sóc cho các động vật ở sở thú.

Wiliam cũng có một dị tật bẩm sinh tương tự như vết thương đã giết chết ông nội của wiliam

John là một cảnh sát an ninh đã về hưu ở New York. Trong một đêm, trên đường đi làm về, anh ta dừng lại trước một cửa hàng điện tử. Anh ấy thấy hai người đàn ông đang lấy trộm trong một cửa hàng và người đứng sau đã rút súng và bắt đầu bắn vào John. John bị trúng sáu viên đạn. Một trong các viên đạn đó đã đi xuyên qua lưng, qua phổi trái, xuyên qua tim và trúng vào động mạch phổi, huyết quản mang máu từ tâm nhỉ phải qua phổi để nhận ôxy. John được đưa ngay vào bệnh viện nhưng không thể qua khỏi.

Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/

“Năm năm sau khi John chết, Doreen sanh ra William”

William bị hôn mê ngay sau khi ra đời, bác sĩ chẩn đoán William bị hẹp động mạch phổi, một dị tật bẩm sinh ở van động mạch phổi chính làm cản trở máu đi qua phổi. Thêm nữa, William còn bị dị tật ở tâm thất phải với vấn đề về van tim. Wiliam phải trải qua vài lần phẩu thuật và mặc dù phải uống thuốc vô thời hạn nhưng anh ta đã thức hiện điều này khá tốt.

“Ian Stevenson”

Một nhà nghiên cứu ở trường đại học Virginia  đã nghiên cứu những trường hợp giống như của Wiliam hơn bốn mươi lăm năm .

Ian Stevenson , qua đời năm 2007, ông bắt đầu công việc nghiên cứu khi còn là trưởng khoa bệnh thần kinh ở trường đại học Virginia

Khi ông làm việc ở trường đại học Virginia, ông đã có những bài viết được công bố rộng rãi trên tạp chi y khoa sức khoẻ tâm thần. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực cận tâm lý. Sau khi tìm hiểu về năm trường hợp các em bé ở Ấn Độ tuyên bố nhớ về kiếp trước của mình, Stevenson đã đến Ấn Độ vào năm 1961 để tìm hiểu thực hư. Ông ta ở lại nơi đó bốn tuần và phát hiện ra thêm hai mươi trường hợp. Ông ta cũng đạt được những kết quả tương tự ở Cyelon ( Sri  Lanka ) và nhận ra rằng hiện tượng này phổ biến nhiều hơn mọi người nghĩ.

Stevenson đã nghiên cứu thêm nhiều trường hợp như vậy ở những nơi khác nhau trên thế giới và vào năm 1966, hội Khoa Học Nghiên Cứu Tâm Linh Mỹ xuất bản quyển sách đầu tiên của ông có tên ‘ Hai Mươi Trường Hợp Luân Hồi’.

Stevenson đã thôi giữ chức vụ trưởng khoa tâm thần để tập trung toàn bộ thời gian cho nghiên cứu về luân hồi và ông thành lập phòng nghiên cứu giác quan con người tại trường đại học Virginia để tiếp tục cho công việc nghiên cứu . Hơn bốn thập niên qua, các nhà nghiên cứu phối hợp với Divison đã điều tra hơn 2500 trường hợp các bé nhớ về tiền kiếp.

Các trường hợp này xảy ra nhiều hơn ở các nước có nền văn hoá với niềm tin vào luân hồi như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Myanma, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon. Dĩ nhiên các trường hợp tương tự luôn được tìm thấy ở bất kỳ đâu mà nhóm nghiên cứu đặt chân đến. Stevenson đã xuất bản cuốn sách nói về các trường hợp ở Châu Âu và rất nhiều các trường hợp khác nữa đã được tìm thấy ở Mỹ. Họ thường chia sẻ vài đặc điểm.
Độ tin cậy của một trường hợp được đo lường qua bốn tiêu chí sau:
– Những tuyên bố của trẻ em về kiếp trước
– Sự hiện diện của những dấu ấn hoặc dị tật bẩm sinh
– Có những hành vi biểu hiện có liên quan đến kiếp trước
– Khoảng cách giữa gia đình hiện tại của đứa bé và gia đình kiếp trước.

1. Những tuyên bố về kiếp trước.
Những đứa trẻ trong trường hợp này thường bắt đầu mô tả về đời sống khi được hai hoặc ba tuổi và dừng ở sáu hoặc bảy tuổi. Các em nói về những ký ức này một cách tự nhiên mà không cần dùng thuật thôi miên.
Một số em bé có thể hồi tưởng lại theo yêu cầu nhưng một số em khác cần phải ở trong tình huống, hoàn cảnh nhất định của tâm trí thì mới có thể nhớ lại được. Các em mô tả những cuộc sống gần đây, thường thì khá bình thường và ở cùng quốc gia, với khoảng cách về thời gian giữa lần chết của cá nhân trước và lần sanh của cá nhân sau là mười sáu tháng. Một phần trong cuộc sống trước được nhớ lại đó là cách họ bị chết một cách không bình thường: bảy mươi phần trăm các trường hợp đều là cái chết bất bình thường.
Một số đứa trẻ kể lại rằng chúng là những thành viên đã mất trong gia đình, trong khi những đứa khác nói rằng chúng là những người xa lạ ở một nơi khác đến. Khi những đứa trẻ cung cấp đủ thông tin chi tiết, chẳng hạn như tên địa điểm, người ta đã đến và thực sự xác định một cá nhân đã qua đời như vậy trước đó, có cuộc sống phù hợp với mô tả của đứa trẻ.

2. Dấu vết và dị tật bẩm sinh.

Nhiều trẻ em có các vết bớt hoặc dị tật bẩm sinh có liên quan đến các vết thương thường gây đau đơn và cái chết cho cuộc sống trước đó.

Stevenson đã xuất bản một bộ sách nói về hơn hai trăm trường hợp như vậy. Ví dụ, một cô bé sinh ra với các ngón tay bị dị dạng đã nhớ lại cuộc đời về người đàn ông với các ngón tay bị chặt đứt. Một cậu bé sinh ra không có bàn tay phải đã nhớ lại cuộc sống của một cậu bé ở một ngôi làng khác bị tai nạn đứt bàn tay phai trong máy cắt cỏ.

Một cậu bé sinh ra với vết bớt phía sau đầu , có hình tròn và nhỏ, (giống như phần trước của một vết thương ) , và một vết bớt phía trước đầu lớn hơn với hình dáng không bình thường, (giống như phần sau của một vết thương ) đã nhớ lại cuộc sống về một giáo viên bị bắn chết từ phía sau.

Một cô bé khác, nhớ lại cuộc sống của một người đàn ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật đầu, có một vết sẹo mà Sevenson cho rằng là kỳ dị nhất mà ông từng thấy. Một vết sẹo có bề ngang rộng ba centimet và kéo dài hầu như vòng quanh đầu.

3. Những chủ đề của đời sống trước.

Khi trẻ con nói về đời sống trước, các em có xu hướng mô tả về sự việc ở giờ phút cuối cùng của cuộc đời, và hầu hết ba phần tư trong các em mô tả chi tiết về cái chết. Các em cũng hay nói về những người từ thời điểm cuối của cuộc sống hơn là trước đó, một đứa trẻ kể về lúc chết đã là người lớn thì thích nói về vợ chồng , con cái hơn là nói về cha mẹ. Thêm vào đó, hai mươi phần trăm các em mô tả về ký ức của các sự việc giữa hai đời sống. Một số nói đã ở lại gần nơi cá nhân trước đó đã đã chết và chúng có thể mô tả một tang lễ hoặc sự kiện khác liên quan đến gia đình.

Một cô gái ở Thái Lan, Ratana Wongsombat, phàn nàn rằng tro của “cô” đã được rải nhiều hơn là chôn. Thực tế thì, người trước đó có ý muốn được chôn tro của hài cốt mình dưới gốc cây ở một ngôi đền, nhưng bộ rễ của cái cây đó quá rộng khiến người em không thể chôn tro xuống hết được nên đã chọn rải tro thay vì chôn.

Một đứa trẻ khác, tên là Bongkuch Promsin, nói rằng anh ta đã trải qua bảy năm lơ lửng trên cây tre gần nơi của cơ thể người quá cố trước đó bị bỏ rơi sau khi bị giết. Một hôm anh ta cố gắng theo người mẹ kiếp trước nhưng đã bị lạc ở chợ. Trong lúc đó anh ta thấy người đàn ông , chính là người cha hiện nay, Bongkuch đi theo người đàn ông này và gia nhập vào gia đình này. Thực tế thì cha Bongkuch đã đi dự một buổi tiệc vào ngày mưa gió trong khu vực mà Bongkuch đã tường thuật, trong tháng mà Bongkuch đã được thụ thai.

4 Những hành vi của đời sống trước.

Nhiều người trong số các em đã hành động theo cách tương tự với cuộc sống mà các em mô tả. Một số em thì biểu hiện cảm xúc với các thành viên khác nhau của gia đình trước đó , cảm xúc đó phù hợp với từng mối quan hệ mà họ đã có với nhau trước kia.
Các em có thể có thái độ tôn kính với cha mẹ hoặc vợ hoặc chồng của kiếp trước, nhưng lại ra vẻ gia trưởng đối với những người là vai dưới của cá nhân trước kia trong kiếp trước, mặc dù những người anh em này hiện tại thì lớn tuổi hơn các em. Những cảm xúc này thường sẽ hết khi các em lớn lên, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Trường hợp đặc biệt đó là Maung Aye Kywa ở Miến Điện, em lớn lên và kết hôn lại với người vợ của kiếp trước.
Rất nhiều trong số các em tỏ ra bị ám ảnh bởi cái chết trước đó, đặc biệt là các em có cái chết bất đắc kỳ tử , phổ biến nhất là chết đuối. Ba mươi mốt trong số năm mươi ba em cho thấy sợ khi ở trong nước. Một số cho thấy thích và không thích đều tương tự như tính cách trước đó.

Chẳng hạn như khi Sevenson va Jurgen Keil nghiên cứu hai mươi bốn trường hợp trẻ em ở Miến điện, các em tuyên bố rằng họ chính là những người lính Nhật bị giết chết ở Miến Điện trong chiến tranh thế giới thứ hai. Có em phàn nàn về thức ăn cay của Miến Điện và yêu cầu thay thế bằng cá sống. Một số em cũng nói về sự không tốt của các chất kích thích gây nghiện như rượu, thuốc lá, tương ứng với cá nhân kiếp trước đã dùng các thứ này.

Cách chơi đùa của các em thường có vẻ liên quan đến nghề nghiệp của cá nhân trước đó. Một cậu bé luôn hào hứng với trò chơi đóng vai người chủ tiệm bánh đến nỗi lơ là cả việc học, kết quả là điểm số thấp đến nỗi không khôi phục lại được.

Thỉnh thoảng, các em sẽ diễn đi diễn lại cảnh cái chết trước đó, sự biểu hiện giống như các em bé bị rối loạn tâm thần sau chấn thương nặng. Khi các em tường thuật lại cuộc sống trước kia với giới tính ngược lại hiện nay, các em có những hành vi phù hợp với giới tính đó. Ngay lúc đó, những hành vi này đủ cho việc chẩn đoán về rối loạn trong việc xác định giới tính. Mặc dù hành vi giới tính chéo này có thể tiếp tục cho đến khi trẻ trưởng thành , nhưng hầu hết các em lớn lên với một cuộc sống hoàn toàn bình thường.

“Công việc gần đây”

Trong những năm gần đây, nghiên cứu được mở rộng thêm với những nhóm các trường hợp khác nhau. Tại trường đại học Virginia, mỗi trường hợp được đánh giá dựa trên hai trăm đặc điểm và những thông tin này sau đó được đưa vào cơ sở dữ liệu . Đây là một dự án dài hạn, liên tục nhưng số lượng các trường hợp đã cho đủ dữ liệu để phân tích.

Một đánh giá về sự thuyết phục của một trường hợp được dựa trên bốn yếu tố: những tuyên bố của trẻ về đời sống trước, những vết bớt hoặc dị tật bẩm sinh hiện thời, hành vi có biểu hiện liên quan đến cuộc sống trước, khoảng cách giữa gia đình của bé hiện tại và gia đình của cá nhân trước kia.

Thang đánh giá này được áp dụng cho 799 trường hợp và cho thấy độ thuyết phục rõ ràng trong các trường hợp không bị ảnh hưởng của ba mẹ đối với các tuyên bố của con, có nghĩa là sự nhiệt tình của cha mẹ không làm cho sự biểu hiện của trường hợp đó mạnh hơn so với sự thật. Có những trường hợp mạnh hơn cho thấy rằng trẻ em bắt đầu nói về cuộc sống trước sớm hơn, nhiều cảm xúc hơn khi nói về những ký ức và biểu hiện gương mặt có sự tương đồng với cá nhân đã mất .

Một nghiên cứu khác liên quan đến những tường thuật của một vài em nói về khoảng thời gian giữa cái chết của cá nhân trước và thời điểm thụ thai của cá nhân sau. Nó cho thấy, so với những trẻ em không có ký ức như vậy, thì những trẻ em mô tả  lại “ký ức thời gian” này có những tuyên bố về đời sống trước được đánh giá chính xác hơn, nhớ lại nhiều cái tên ở kiếp trước, có mức thang điểm cao trong bảng đánh giá và có khả năng nhiều hơn trong việc nhớ lại tên của cá nhân trước kia , cung cấp chính xác các chi tiết về cái chết của họ trước kia.

Khép lại phần phân tích ba mươi lăm trường hợp như ở Miến Điện cho thấy rằng những kỷ niệm khoảng thời gian có thể được chia thành ba phần: một giai đoạn chuyển tiếp, một giai đoạn ổn định tại một địa điểm cụ thể, và một giai đoạn quay về  liên quan đến một sự lựa chọn cha mẹ hoặc bào thai.

Sự mô tả của các em bé ở Miến Điện được so sánh với các trải nghiệm cận tử (NDEs) của các bệnh nhân tường thuật lại, nó cho thấy có nhiều trùng hợp đối với các trải nghiệm cận tử ở Châu Á và phương Tây. Nghiên cứu cho thấy rằng hiện tượng ký ức về khoảng thời gian giữ hai cuộc sống và trải nghiệm chết cận tử có thể được xem như những hiện tượng tổng thể nói về thế giới sau khi chết.

Nhà tâm lý học Don Nidiffer, đã đánh giá mười lăm báo cáo về ký ức tiền kiếp của trẻ em Mỹ. Ông nhận ra rằng các em rất thông minh và có tâm lý ổn định. Trong số các em được nghiên cứu, không có em nào cho thấy có biểu hiện bệnh tâm thần.

Tác Giả:  Jim B. Tucker
Người Dịch: Nguyễn Trần Quyết

Trả lời