Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một giáo viên, một nhà thơ và cũng là nhà hoạt động cách mạng được kính nể. Ông không chỉ có những lời dạy đi vào lòng người mà còn viết nên những cuốn sách tâm đắc về chánh niệm và hòa bình. Cùng tìm hiểu sâu hơn về vị Thiền sư sâu sắc và đáng kính này.
Vài nét về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926) lớn lên tại Thừa Thiên – Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo. Năm 16 tuổi, ông xuất gia theo Thiền tông tại chùa Từ Hiếu rồi tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc. Tại đây, ông tu học Thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và đã chính thức trở thành nhà sư khi chỉ mới 23 tuổi.
Ông vừa là Thiền sư, vừa là giảng viên, nhà văn, nhà khảo cứu, hoạt động xã hội và còn là người vận động cho hòa bình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Phật Giáo
Ông có duyên với cửa Phật từ rất sớm
Ông đã sáng suốt trong việc phối hợp kiến thức của mình về các trường phái Thiền khác nhau cùng các phương pháp truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, nhận thức sâu sắc từ Phật giáo Đại thừa và một số phát kiến ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo nên sự tiếp cận mới mẻ đối với Thiền.
Khái niệm Phật giáo dấn thân cũng chính do ông đưa ra trong cuốn Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa. Trong một lần phỏng vấn, ông đã nêu ra rằng, khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong Thiền viện. Thiền là nhận thức của bạn về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn.
Có một câu nói của ông mà người đời rất tâm đắc đó là “Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Chúng ta phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân mình không lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng Thiền”.
Cho tới thời điểm này, ông đã viết hơn 100 cuốn sách và có tới hơn 40 cuốn viết bằng tiếng Anh. Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta, Phép lạ của sự thức tỉnh, Đường xưa mây trắng, …
Thiền sư trong mắt thế giới
Đi nhiều nơi để truyền bá những am hiểu của mình
Quá trình trở thành một người được toàn thế giới kính nể, Thiền sư đã có một quãng đường dài trải qua nhiều khó khăn để nghiên cứu và diễn thuyết những gì tốt đẹp nhất cho nhân loại. Cụ thể:
- Năm 1956, ông là Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
- Thập niên 1960, ông lập ra trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (viết tắt là SYSS). Đây là một tổ chức từ thiện hỗ trợ dựng lại những khu làng bị đánh bom, xây trạm xá, trường học và giúp đỡ các gia đình vô gia cư sau chiến tranh tại Việt Nam.
- Thiền sư cũng chính là người thành lập Đại học Vạn Hạnh chuyên nghiên cứu về Phật giáo, ngôn ngữ và văn hóa của Việt Nam.
- Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện và nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới.
- Sau đó, ông ở lại nước ngoài từ khi Hiệp định Paris được ký kết và cư ngụ tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp.
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào ngày 28/10/2018 đã trở về chùa Từ Hiếu ở Huế để tĩnh dưỡng trong sự chào đón của tất cả các chư tăng và Phật tử. Ông đã quyết định ở lại đây cho đến ngày viên tịch.
Theo như ghi chép lại, tại một buổi gặp mặt tháng 4/1965, đoàn sinh viên trường đã đưa ra “Lời kêu gọi vì hòa bình” nhằm thúc giục 2 miền đất nước tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh để mang lại hòa bình cho người dân Việt với sự tôn trọng lẫn nhau.
Nhiều lần trong những năm bôn ba nơi xứ người, Thiền sư đã có một thời gian ở Mỹ để nghiên cứu, diễn thuyết tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Sau này, ông cũng là người vinh dự được tham gia giảng dạy tại Đại học Columbia. Tuy nhiên, mục đích chính của những chuyến đi ra nước ngoài của ông vẫn là vận động cho hòa bình thế giới.
Những điều tuyệt vời về Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Luôn có những suy nghĩ thấu đáo lòng người
Là một người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và truyền đạt của thầy thu hút rất nhiều sự quan tâm từ nhiều thành phần khác nhau gồm cả tôn giáo, tâm linh hay chính trị. Thầy luôn đưa ra cách thực hành chánh niệm và điều chỉnh để phù hợp với tri giác phương Tây.
Chánh niệm là gì? Chánh niệm là biết rõ những gì đã xảy ra và đang hiện hữu trước mắt chúng ta. Chẳng hạn khi bạn nắm tay một em bé, hãy để tâm 100% vào bàn tay em hay ôm người thương trong vòng tay cũng vậy. Hãy luôn để bản thân mình có mặt và thức tỉnh.
Trước đây hẳn nhiều người có thói quen làm nhiều việc cùng lúc vì họ nghĩ điều đó sẽ giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Họ vừa trả lời email, vừa bàn chuyện điện thoại hay khi đang họp dự án này ta lại chăm chú ghi chép cho dự án khác,… Vậy tại sao thay vì làm nhiều việc cùng lúc như vậy, ta không thử học thói quen chỉ làm mỗi lần một việc?
Thầy cũng là người đưa ra pháp thoại “Lắng nghe sâu vì hòa bình”, chìa khóa để hòa giải chính là biết lắng nghe. Nhờ vậy, mọi thù hằn, ghét bỏ hay mâu thuẫn đều có thể đàm phán và hòa giải được.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh với tầm ảnh hưởng của mình đã mang đến cho đời nhiều điều tốt đẹp và trân quý. Hy vọng những thông tin trên đã giúp chúng ta có hiểu biết sâu sắc hơn về Phật giáo cũng như những điều xung quanh cuộc đời thầy.