Chúng ta có thể định nghĩa “thiền” là sự chú tâm bền bỉ của tâm trí được tập trung vào một đối tượng, một vấn đề cần khai mở để hiểu được nó, và thực tế là, về bất kì điều gì trong cuộc sống cần nhận thức và cảm thụ.
Đó là nghệ thuật suy tưởng về một đối tượng hoặc suy ngẫm về điều đó từ nhiều phương diện và các mối tương quan khác nhau.
Một định nghĩa khác của thiền là nỗ lực mang đến cho tâm thức, tức là trạng thái hoạt động bình thường của tâm trí, một mức độ nhận thức về siêu ý thức, để tạo ra sự khát vọng, mà chính qua con đường này, ảnh hưởng của cõi thiêng liêng hoặc nguồn tâm linh… con người thực thụ… sẽ chiếu rọi đến nhân cách ở cấp thấp.
Thiền là vươn ra ngoài tâm trí và cảm xúc, hướng đến một lý tưởng, và hướng đến sự mở cửa của tâm thức cấp thấp bị tù hãm để đón nhận ảnh hưởng của lý tưởng đó. H.P.Blavastky đã nói: “Thiền là sự khao khát không thể diễn tả của con người nội tại đối với Thượng Đế”.
Khi nói về Cromwell, Ngài Rosebery mô tả ông như một “người thần bí thực chứng”, và tuyên bố rằng “một người thần bí thực chứng chính là thế lực lớn lao nhất trên thế giới”.
Tri thức tập trung và năng lực thoát khỏi sự rối nhiễu đồng nghĩa với sự gia tăng năng lượng to lớn trong công việc, ổn định hơn, tự chủ hơn, và thanh thản hơn.
Tất cả các tôn giáo đều khuyến khích thiền, và sự cần thiết của thiền đã được công nhận trong mọi trường phái triết học. Giống như một người muốn tráng kiện đã dùng các bài tập theo chỉ định để phát triển cơ bắp, môn sinh của thuyết huyền bí cũng thực hiện các bài tập theo chỉ định để phát triển thể vía và thể trí của mình.
Thiền là phương pháp sẵn sàng nhất và an toàn nhất để phát triển tâm thức cao hơn.
Chắc chắn con người có thể, bằng thiền, theo thời gian, nâng bản thân mình trước tiên là đến các cấp độ vía và rồi đến các cấp độ trí; nhưng dĩ nhiên, không ai có thể nói trước được sẽ phải mất bao lâu vì nó còn tùy thuộc vào quá khứ của môn sinh và các nỗ lực của người đó.
Bằng thiền, thể vía và thể trí của một người từ từ ra khỏi sự hỗn mang, chầm chậm mở rộng và từ từ học cách đáp ứng lại với các dao động ở tầng cao hơn.
Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/
Mỗi nỗ lực đều giúp vén dần bức màn chia cách con người với cõi giới cao hơn và cái biết trực tiếp.
Hình tư tưởng (thought-form) của người đó phát triển rõ ràng hơn từng ngày, để sự sống đổ tràn lên họ từ bên trên sẽ trở nên ngày càng trọn vẹn hơn.
Thiền giúp xây dựng trong các thể các dạng thức vật chất cao hơn. Nó thường dẫn đến sự cảm nhận các cảm xúc cao quý, những điều này đến từ cõi Phật và được thể hiện trong thể vía. Ngoài ra, cũng cần phát triển các thể trí và thể thượng trí nhằm mang đến sự ổn định và cân bằng… nếu không, những cảm xúc tốt đẹp đưa con người theo hướng đúng có thể dễ dàng trở nên rối rắm và cuốn anh ta đến những ranh giới không hay khác.
Nếu chỉ có cảm xúc, không bao giờ có thể đạt được sự cân bằng hoặc ổn định mỹ mãn. Sự dẫn dắt của trí lực và ý chí cũng cần thiết như động lực từ cảm xúc.
Trần hương cũng cần thiết, vì nó giúp thanh tẩy “không gian”. Người môn sinh cũng có thể nhờ đến màu sắc tươi đẹp, hoa và tranh ảnh xung quanh cũng như các phương tiện khác để nâng đỡ tinh thần và cảm xúc.
Một yếu tố hữu ích nữa đối với môn sinh là áp dụng một chế độ ăn kiêng và, nếu không làm tổn hại đến sức khỏe, nên kiêng thịt và rượu.
Sáng sớm có lẽ là thời điểm phù hợp nhất để hành thiền vì các ham muốn và xúc cảm thường tĩnh lặng hơn sau khi ngủ dậy và trước khi người ta lao vào cuộc sống hối hả thường nhật. Nhưng, dù chọn thời điểm nào, ta phải luôn đảm bảo không bị làm phiền. Hơn nữa, như đã nói, nên luôn là một thời điểm cố định, vì tinh túy của phương thức này là thực hành đều đặn.
Thiền là một phương tiện nhằm đạt được nghệ thuật rời bỏ cơ thể trong trạng thái đầy đủ ý thức.
Thức ăn đóng vai trò gì trong cuộc sống vật chất, thì thiền cũng có vai trò tương tự trong đời sống tâm linh. Thiền giả là người sống có hiệu quả nhất trên đời. Thiền giả là người không phí phạm thời khắc nào… không tổn thất chút năng lượng nào… không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Một người như thế làm chủ sự việc, vì bên trong người đó là năng lực nhìn thấy các sự kiện chỉ là hiện tượng bên ngoài… người đó hưởng một đời sống thánh thiện và, nhờ đó, có năng lực kỳ diệu.
Thiền sâu và thở có một mối liên hệ mật thiết. Người ta nhận thấy, khi thực hành, cơ thể trở nên hòa hợp trong thiền, hơi thở dần sâu hơn, đều đặn và nhịp nhàng, cho đến khi nó trở nên chậm và tĩnh đến mức hầu như không thể cảm nhận được.
Nguồn: “The Mental Body”, Arthur E.Powell
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc