“khai mở những gì bị đóng kín”
Điều gì bị đóng kín trong ta?
Các giác quan của ta bị đóng kín, thể xác của ta bị đóng kín. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ, để đánh giá, để tưởng tượng, và để mơ mộng đến nỗi ta không còn cẩn trọng lưu tâm đến trải nghiệm trực tiếp của các giác quan của mình… đối với hình và tiếng, mùi và vị, và cảm giác của cơ thể. Bởi vì sự chú tâm của ta thường bị phân tán, sự cảm nhận của ta từ các cánh cửa giác quan cũng bị che chướng. Nhưng, khi sự nhận thức và định tâm trở nên mạnh mẽ hơn lên thông qua thiền, chúng ta sẽ ít lãng phí thời gian hơn trong tư duy, nhạy cảm hơn nhiều và tinh tế hơn nhiều trong cảm nhận từ các giác quan.
Chúng ta cũng bắt đầu khai mở thể xác. Thường thì cơ thể không có một dòng năng lượng tuôn chảy tự do, và khi ta hướng ý thức của mình vào trong, chúng ta trải nghiệm một cách rất rõ ràng và mật thiết những căng thẳng, ràng buộc và níu kéo hiện đang dồn nén. Có nhiều loại cảm giác đau khổ mà chúng ra có thể trải qua, việc tìm hiểu để nhận biết và nối kết với những cảm giác chịu đựng hoặc đau khổ này là một phần quan trọng của việc hành thiền, bởi vì đó chính là một trong những yếu tố đầu tiên chúng ta đối diện trong quá trình tu tập.
Một sự đau đớn mà chúng ta gặp có thể chính là một tín hiệu cảnh báo. Khi chúng ta thò tay vào lửa thì tay bắt đầu khó chịu, và có một thông điệp rất rõ ràng, “hãy rút tay ra”.
Có một hình thức đau khổ khác, gọi là “pháp khổ”. Đây chính là những cảm giác đau đớn tích luỹ trong thể xác, những căng thẳng, ràng buộc và níu kéo mà chúng ta luôn mang theo nhưng hầu như không hay biết bởi vì tâm trí chúng ta đã bị đánh lạc hướng.
Điều thiết yếu là phải học cách hành xử với những nỗi đau trỗi dậy trong lúc thiền tập. Đó là cửa ngõ để đi đến những cấp độ hiểu biết sâu xa hơn, và bản thân việc chúng ta nhận biết được những cảm giác đau khổ này đã là một dấu hiệu của sự chú tâm mạnh mẽ.
Đây là cách chúng ta khởi sự khía cạnh đầu tiên của thiền tập: khai mở những gì đóng kín. Và chính sự khai mở để trải nghiệm này là nền tảng cho khía cạnh thứ hai của thiền tập: cân đối những phản ứng.
“cân đối những phản ứng”
Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/
Những gì mang tính phản ứng nghĩa là gì? Tâm trí chúng ta mang tính phản ứng: thích và ghét, đánh giá và so sánh, níu kéo và quy kết. Tâm trí chúng ta như một chiếc cân, và chừng nào chúng ta còn đồng hoá mình với những sự đánh giá và thiên kiến này, những sự ưa thích và ghét bỏ này, những ham muốn và chán ghét này, tâm trí chúng ta tiếp tục bị mất cân đối, bị kẹt trong một cơn lốc xoáy mệt mỏi của sự phản ứng. Chỉ có bằng sức mạnh của sự tỉnh thức, chúng ta mới có thể đạt đến một chốn cân bằng và tĩnh tại.
Tỉnh thức là phẩm chất của sự chú tâm khi ta nhận biết mà không lựa chọn, không thiên lệch; đó là một sự nhận biết không có lựa chọn, hệt như mặt trời chiếu soi vạn vật một cách đồng đều.
Tuy nhiên, để tìm được nhịp điệu ấy, ta cần nỗ lực vượt bậc.
Ban đầu tâm trí bị phân tán, cho nên ta phải nỗ lực để kiềm chế và tập trung. Nhưng dần dần, trong quá trình thực hành, sẽ đến lúc mọi chuyện đi đến thành tựu và ta sẽ tìm thấy sự cân bằng.
Mỗi khoảnh khắc tỉnh thức sẽ giúp ta tạo lập trạng thái cân bằng và nhịp điệu bên trong này.
“khám phá những gì ẩn tàng”
Những gì ẩn giấu chính là bản chất thật sự của trải nghiệm của chúng ta. Chân lý là những gì ẩn giấu.
Phần lớn chúng ta thường nhầm lẫn các ý nghĩ của chúng ta về sự vật với chính sự trải nghiệm. Một phần hết sức thiết yếu của thiền tập là đi từ mức độ ý niệm đến mức độ trải nghiệm trực tiếp.
Thiền khởi sự từ việc khám phá những gì ẩn giấu. Chúng ta đi từ mức độ ý niệm đến mức độ trải nghiệm trực tiếp, bất kể đó là những cảm giác của thể xác hay hình ảnh, âm thanh, mùi hay vị; chúng ta bắt đầu trải nghiệm bản chất và quá trình của tư duy và cảm xúc, thay vì bị đồng hoá với nội dung của tư duy. Khi chúng ta kết nối với những gì ta đang trải nghiệm trong mỗi khoảnh khắc, chúng ta bắt đầu khám phá ra một số điều có thể trước đó từng bị che giấu hoặc lẩn khuất.
Trước tiên chúng ta phát hiện ra rằng mọi thứ đều đổi thay, rằng mọi thứ chúng ta tưởng rằng vững chắc, bất biến hay lâu bền đều ở trong một trạng thái biến đổi liên tục. Thiền là một phương tiện để khai mở đến chân lý về sự giả tạm này ở cấp độ sâu sơn và sâu hơn nữa. Mỗi cảm giác, mỗi ý tưởng, mỗi cảm xúc, mỗi âm, mỗi vị, mọi thứ bên trong và bên ngoài đều ở trong trạng thái không ngừng phân huỷ.
Khi chứng kiến điều đó, khi chúng ta thật sự biết điều đó, sự hiểu biết ấy sẽ giải phóng cho tâm trí chúng ta khỏi sự trói buộc, khỏi sự bám chấp.
Khi phát triển cái nhìn và sự hiểu biết thấu suốt này, tâm trí chúng ta sẽ khó bị ràng buộc hơn, vì khi chúng ta ít mê chấp hơn, ít trói buộc hơn, ít bám víu hơn thì cuộc sống của chúng ta sẽ ít đau khổ hơn.
Khi chứng kiến điều này một cách sâu sắc trong bản thân chúng ta, trải nghiệm ấy cũng bắt đầu giải thoát những lực mạnh mẽ của ham muốn và trói buộc trong tâm trí. Chúng ta bắt đầu buông xả và cho phép diễn ra những sự thay đổi tất yếu thay vì bám chấp vào một điều gì đó và nghĩ rằng điều đó sẽ khiến chúng ta hạnh phúc mãi mãi.
Chúng ta nhìn thấy sự giả tạm này, chúng ta nhìn thấy sự bất ổn này. Và chúng ta bắt đầu hiểu rằng điều gì là bảo ngọc của sự giác ngộ của Đức Phật,… sự thấu hiểu cái vị tha trong toàn thể quá trình của tâm trí và thể xác, sự thấu hiểu rằng không có ai đằng sau mọi chuyện. Quá trình thay đổi này chẳng thuộc về ai, chẳng có ai là chủ sở hữu của nó.
Khi ta hiểu theo một cách rất trực giác và liên thông về sự mong manh, trống rỗng, vị tha và vô ngã cốt lõi trong các hiện tượng, chúng ta bắt đầu làm suy yếu sự lệ thuộc căn bản vào ý thức về cái tôi, về cái của tôi, những khái niệm mà cả cuộc đời chúng ta xoay vần quanh. Chúng ta thấy rằng cái tôi này là một ảo giác, một khái niệm mà ta tạo ra, và ta bắt đầu cuộc hành trình để đạt được những tự do lớn lao hơn trong đời.
Nguồn: “Beath Sweeps Mind” – Jean Smith
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc