Giác ngộ không thực sự thay đổi bất kỳ điều gì, nhưng lại thay đổi mọi thứ; giác ngộ thay đổi mọi sự mà không làm biến đổi bất kỳ điều gì cụ thể.
Trước khi một người đạt đến giác ngộ, thế giới có 3 chiều, tăm tối và đáng chán. Thế nhưng, thực ra, thế giới không chỉ có 3 chiều buồn chán như thế.
Cuộc sống được hình thành từ hàng triệu chiều kích. Đối với tâm trí tỉnh thức, cuộc sống và thậm chí những công việc phải lặp đi lặp lại hàng ngày không hề buồn chán và ảm đạm chút nào vì vạn vật đều vô tận.
Một khi trở nên giác ngộ, ta không buộc phải sống trong tu viện, vì cả vũ trụ đã trở thành chốn tu của ta. Ta có thể sống một cuộc sống bình thường, và làm bất cứ điều gì ta muốn.
Từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc tiếp theo, không có gì tồn tại như cũ cả, trong chiều kích này hay bất kỳ chiều kích nào khác. Tại một thời điểm, không có gì trong thế giới vật chất hay vũ trụ này tồn tại lâu hơn một khoảnh khắc. Nhưng cõi niết bàn thì tồn tại mãi mãi, bất biến. Thế nên, niết bàn… cũng chính là giác ngộ chắc chắn thực hơn bất kỳ điều gì thuộc về vật chất hay vũ trụ, vì nó không bao giờ kết thúc. Nếu bạn nghĩ rằng các vật thể cũng giống như vậy, thì bạn đang bị chính những suy nghĩ và quan điểm của mình đánh lừa đấy.
Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/
Vũ trụ được hình thành từ vô số không gian đa chiều. Một số không gian bền vững hơn các không gian khác, và dĩ nhiên niết bàn là bất biến. Thế nên, một cách nào đó, một không gian càng gần với cõi niết bàn, thì càng thực hơn. Ngược lại, nếu càng xa cõi niết bàn, nó càng kém thực hơn.
Chúng ta thiền và thực hành chánh niệm để vượt ra ngoài các quan niệm hạn hẹp cầm giữ chúng ta trong tình trạng khá hư ảo. Vượt ra ngoài tầm nhận thức giới hạn của nhân loại, có các cấp độ nhận thức bền vững hơn trong các không gian vũ trụ và nhân quả.
Nhằm đạt đến giác ngộ, phải giữ cho suy nghĩ và cảm xúc được tĩnh, và đạt đến trạng thái trống rỗng. Đây là điểm bắt đầu của thiền đích thực: dọn sạch tâm trí khỏi những suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm rối nhiễu và thay vào đó, cho phép sự nhận thức lan tỏa khắp các chiều kích và không gian ánh sáng cao hơn tồn tại bên trong tâm trí.
Sự giác ngộ là nhận thức hoàn chỉnh về cuộc sống, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tinh thần. Nó là hạnh phúc, là sự hoan hỉ và tất cả những gì tươi đẹp, hoàn hảo và viên mãn trong đời. Giác ngộ là nhận thức hoàn hảo. Đó chính là ‘cái nhìn’ trực tiếp vào thực tại. Chúng ta không thể kiểm soát thời tiết. Thực ra, chúng ta còn khó có thể dự đoán thời tiết. Cuộc sống hằng ngày cũng tương tự như vậy. Rất khó kiểm soát cuộc sống thậm chí trong một lúc, chứ đừng nói đến hầu hết mọi lúc, và hầu như không thể dự đoán trước cuộc đời. Nhưng khi đã hợp nhất tâm trí với cõi niết bàn trong trạng thái thiền sâu nhất, ta sẽ luôn ở trong trạng thái ý thức giác ngộ. Nếu tâm trí hợp nhất với niết bàn, bằng cách hành thiền và thực hành chánh niệm, ta sẽ luôn thấy hạnh phúc.
Bình thường, phải mất nhiều thời gian để đạt đến giác ngộ. Nhưng điều đó cũng không khác gì mấy khi học bất kỳ điều gì: ta cần có thời gian, một người thầy giỏi và thực hành.
Khi bắt đầu thiền lần đầu, ta không nên kỳ vọng gì nhiều. Ngày đầu tiên bắt đầu học ngoại ngữ, ta cũng đâu mong đợi sẽ nói được thứ tiếng đó ngay.
Thế nhưng, chỉ sau một vài tuần hành thiền, ta sẽ bắt đầu có nhiều năng lượng hơn, và hạnh phúc hơn một chút. Dần dần, khi việc hành thiền tiến bộ, ta sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc mạnh mẽ hơn và có nhiều năng lượng nội tại hơn. Cuối cùng, khi nâng cao việc hành thiền, ta sẽ cảm nghiệm trạng thái hoan hỉ và tri thức mà không từ ngữ nào diễn tả được.
Mỗi lần thiền, ta tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ hơn với thế giới của ánh sáng nội tại và nguồn hạnh phúc tồn tại bên trong bản thân. Sau nhiều năm luyện tập, sự kết nối đó sẽ trở nên rạng rỡ hơn và hoan lạc hơn. Nhưng ngay từ khi bắt đầu hành thiền, ta sẽ nhận thấy phần nào sự sáng suốt và hoan lạc bắt đầu lan vào đời sống hằng ngày của mình.
Khi việc hành thiền tiến triển sau nhiều tháng, sẽ càng có nhiều ánh sáng và hoan hỉ tràn vào những khoảnh khắc trong cuộc sống hằng ngày.
Ta cần tự cảm nghiệm thực tế ánh sáng trong quá trình thiền của chính mình, chỉ khi đó ta mới thực sự hiểu được cuộc sống hoàn hảo đến mức nào. Dĩ nhiên, lúc đó ta sẽ được hạnh phúc mãi mãi.
Chỉ những ai đã giác ngộ mới được hạnh phúc bền lâu, vì hạnh phúc của họ không được xác định dựa trên các sự kiện hay kinh nghiệm trong thế giới này. Thay vào đó, nó dựa trên năng lượng vô hạn từ bên trong mà họ đạt được từ sự kết nối với thế giới của Giác ngộ.
Nguồn: “Surfing the Himalayas – A Spiritual Adventure”, Frederick Lenz
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc