Thời khắc chúng ta ngồi thiền là lúc chúng ta thực sự bắt đầu bước đi trên con đường của các thánh Nhân. Ngay lúc đó, tất cả các khái niệm đều bị bỏ lại sau lưng và ta bắt đầu cảm nghiệm.
Trong khi ngồi thiền, chúng ta sẽ đến tâm nhãn, khiến cho trí não bất động, đi vào bên trong, gặp gỡ Thể Phát Sáng, nhận thức được Bản ngã vĩnh hằng và đạt đến trạng thái hợp thể với Thượng Đế. Tất cả những điều này sẽ diễn ra khi chúng ta thiền. Đó là lý do thiền được cho là hành và là sự giác ngộ.
Mỗi khi thiền, chúng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất một con người có thể làm: chuyển hóa hoàn toàn khí chất và ý thức của chúng ta.
Việc thiền biểu hiện qua cách chúng ta sống. Cùng với thiền, các phẩm chất tích cực của chúng ta bắt đầu thể hiện. Sự điềm tĩnh thay thế cho cơn giận dữ, sự hài lòng thay thế cho lòng tham, sự tận hiến thay cho dục vọng, sự khiêm tốn thay thế cái tôi cao ngạo, và lòng thân ái vô tư đối với mọi người thay thế sự trói buộc và vị kỷ.
Khi thiền, chúng ta tập trung hơn, khéo léo hơn và hiệu quả hơn trong mọi việc. Chúng ta điều chỉnh các mối ưu tiên một cách tự nhiên và hành xử một cách hòa hợp với Bản ngã nội tại và với mọi sự bên ngoài, xung quanh ta.
Khởi đầu, việc thiền của ta dường như tách biệt khỏi đời sống thường nhật. Giống như hai con người sống dưới một mái nhà mà không hề trò chuyện với nhau. Theo thời gian, đời sống hằng ngày và việc thiền trở nên hòa hợp và hỗ trợ cho nhau.
Từ việc thiền, chúng ta học cách hiện diện tập trung hơn, khoan dung hơn, trong mọi việc chúng ta làm trong ngày. Thái độ phó dâng, nhẫn nại, mãn nguyện và nhận thức được củng cố trong suốt quá trình thiền được áp dụng tự nhiên vào mọi phương diện của cuộc sống thường nhật. Cuộc sống của chúng ta khi đó phản ánh sự bình an, hân hoan và tĩnh tại tự động đạt được trong khi hành thiền.
Việc thiền giúp chúng ta nhận ra sự thống nhất giữa mọi vật và mọi người trong tạo hóa. Từ bên ngoài lẫn bên trong, chúng ta nhận ra mọi sự liên kết với nhau như thế nào. Khi đem nhận thức này vào trong mọi phương diện của cuộc sống thường nhật, chúng ta dẹp bỏ những rào cản mình đã dựng nên nhằm ngăn cách đời sống tâm linh với đời sống thường nhật. Vết nứt trong cuộc sống của rất nhiều người dần dần được chữa lành.
Xem thêm Phương pháp Tự học Thiền: https://kimtuthap.org/tuhocthien-html/
Nếu phân tích việc nhìn nhận thiền là tách biệt với đời sống thường nhật, ta sẽ hiểu rằng đó đơn giản chỉ là một triệu chứng của vết nứt này, tức là sự vụn vỡ mà chúng ta hay gặp phải trong nhiều phương diện cuộc sống. Những gì chúng ta nói không giống những gì chúng ta làm. Nỗi khát khao về tâm linh của chúng ta không được phản ánh trong hành động. Chúng ta đang ở nơi này nhưng lại ao ước mình ở một chốn khác. Chúng ta đang làm việc này mà lại nghĩ đến việc khác. Do chúng ta chưa hiện diện trong thì hiện tại và chưa hề hiện diện tại nơi chúng ta đang có mặt, cũng chẳng có gì lạ khi ta thấy việc thiền có vẻ rất buồn chán: chúng ta chưa bao giờ đặt mình vào đó. Thế nhưng thiền lại chính là liều thuốc duy nhất để chữa lành sự vụn vỡ này, vết nứt lớn này không chỉ phân ly chúng ta khỏi tạo hóa mà còn làm tách rời con người bên trong chúng ta.
Một trong những bài giảng nổi tiếng của Đức Phật là khi ngài ngồi thuyết giảng cho giáo hữu, và không nói một lời, người chỉ cầm một cành hoa và đưa lên cao. Ngài cầm hoa như thế trong một lúc, rồi đi. Đó là tất cả những gì Ngài cần phải nói. Chỉ một người trong hàng ngàn người ngồi đó nghe giảng hiểu được ý nghĩa thâm sâu ẩn chứa trong hành động của ngài. Khi ngộ ra điều này, anh ta đạt đến giác ngộ. Đức Phật dạy rằng tất cả những gì chúng ta có là giây phút này đây. Trong giây phút này, mọi sự đều hoàn hảo. Không có những suy diễn của tâm trí, không có vấn đề gì… chỉ sự nhận thức bông hoa này trong sự tĩnh tại của tâm trí.
Nếu tập trung chú ý vào khoảnh khắc hiện tại, những vấn đề của chúng ta thu nhỏ lại vì không có gì nuôi dưỡng chúng và chúng ta tự nhiên, tự động sống hạnh phúc hơn. Thiền là một bài tập để tồn tại ở đây, vào lúc này. Khi sống trong hiện tại, chúng ta sống trọn vẹn nếu ý thức chúng ta vượt ra ngoài những giới hạn của cái tôi.
Khi chú tâm đến hiện tại, chúng ta khó có thể bị tâm trí đánh bẫy. Bằng việc hành thiền suốt ngày, chúng ta có thể kiểm chế sự chú tâm vào cái tôi và sẽ vui hưởng cuộc sống liên tục. Sống trong hiện tại, hiện diện trọn vẹn trong cuộc đời, chúng ta có thể trở thành những chứng nhân trầm lặng của cuộc sống chính mình trong khi dấn thân và hoàn thành các trách nhiệm của bản thân.
“Chúng ta có gì đó không ổn. Chúng ta chưa bao giờ muốn hạnh phúc trong thời điểm hiện tại. Chúng ta lại lo lắng về những gì chúng ta đã làm hay những điều sẽ xảy đến. Chúng ta không muốn tận hưởng giây phút hiện tại. Nếu chúng ta khiến cho giây phút này trở nên vui vẻ, quá khứ sẽ tự động trở nên vui vẻ và chúng ta chẳng còn thời gian đâu mà lo lắng về tương lai. Thế nên, chúng ta phải đón nhận cuộc sống trọn vẹn và vui sống. Từng giây phút phải được cảm thụ một cách hoan hỉ. Và thiền sẽ giúp ta.” (Maharaj Charan Singh)
Nguồn: “Living Meditation”, Hector Esponda Dubin
Người Dịch: Trương Đức Hiệp, Hồ Xuân Hương, Việt Khôi, Ngọc Trúc